Ngôi vô địch bóng ném bãi biển nam không chỉ mang về tấm HCV thứ 98, ghi nhận sự tiến bộ rất đáng kể về lượng lẫn chất của thể thao Việt Nam (TTVN) ở đấu trường khu vực, mà còn là biểu tượng thành công của thể thao TP HCM trong chiến dịch SEA Games 30. Với hầu hết thành viên tuyển bóng ném là quân số TP, đó cũng là tấm HCV thứ 13 mà thể thao TP HCM đóng góp vào thành tích chung của TTVN, vượt gần 150% số lượng HCV so với chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường tham dự đại hội.
Thành công hơn mong đợi
Trong giai đoạn hoàng kim của những năm 1990, thể thao TP HCM luôn tự hào đóng góp 1/3 quân số tham dự các kỳ đại hội quốc tế và luôn mang về 1/2 chỉ tiêu HCV. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương trong cả nước đã góp phần "giảm tải" trọng trách thành tích cho thể thao TP HCM mà thời gian gần đây còn nhận thêm nhiệm vụ làm mũi nhọn ở nhiều bộ môn cơ bản, tấn công vào đấu trường Á vận hội và Thế vận hội.
Với thành phần bao gồm 109 VĐV (1/5 quân số đoàn TTVN), thể thao TP HCM đã chung sức mang về 13 HCV, 9 HCB, 24 HCĐ, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đăng ký ban đầu (10 HCV), đồng thời được ghi nhận là một trong 3 đơn vị đóng góp nhiều huy chương nhất cho TTVN tại SEA Games 30, chỉ sau Hà Nội và Quân đội.
Trong tổng số 13 HCV (bằng 1/7 thành tích đoàn TTVN), có nhiều tấm huy chương quý hơn… vàng. Xét rộng ra, việc 109 VĐV cùng nhau mang về tổng cộng 68 huy chương các loại, đồng nghĩa với tỉ lệ 2,5 VĐV/1 huy chương. Thành tích trên đã cho thấy thể thao TP HCM đạt hiệu quả cao trong việc cử lực lượng và dự báo thành tích cao khi tham dự SEA Games 30.
Chiến thắng của Lê Tú Chinh (0958) trên đường chạy 100 m trước VĐV gốc Mỹ làm nức lòng giới chuyên môn Ảnh: Ngọc Linh
Theo tổng kết chuyên môn, với thành phần HLV, VĐV tinh nhuệ được tuyển chọn gắt gao, thể thao TP HCM đã thi đấu thành công, phản ánh trọn vẹn công tác xây dựng lực lượng có trọng tâm và trọng điểm. Trong tổng số 10 môn mang về HCV, có 6 môn thuộc nhóm cơ bản Olympic (điền kinh, judo, taekwondo, đấu kiếm, bóng đá nữ, cử tạ), 2 môn thế mạnh truyền thống của TP (billiards, aerobic), 2 môn võ thuật chuyển đổi (kurash, kickboxing).
Thể thao TP HCM cũng giới thiệu được hình ảnh những VĐV là nhân tố ảnh hưởng đến nền TTVN, như Lê Tú Chinh chiến thắng ở cự ly tốc độ 100 m nữ trước VĐV Philippines gốc Mỹ; các cầu thủ bóng đá nữ giành chức vô địch đến lần thứ 6 với tinh thần chiến đấu ngoan cường cùng tố chất kỹ thuật, tài năng mà không ai có thể phủ nhận; Ngô Đình Nại khẳng định thế mạnh gần như tuyệt đối của billiards Việt Nam ở những nội dung đánh băng; Nguyễn Tiến Nhật và đồng đội thắng tuyệt đối ở môn đấu kiếm; Nguyễn Thị Mộng Quỳnh và đồng đội thể hiện kỹ thuật hoàn hảo ở môn taewondo để giành vị trí cao nhất với kinh nghiệm và bản lĩnh dày dạn…
So với dự kiến, một số môn không đạt được chỉ tiêu đề ra như thể dục dụng cụ hay cờ vua do xác suất thành công phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan; cử tạ với lực sĩ Thạch Kim Tuấn không vượt qua nổi "cái bóng" của nhà vô địch thế giới người Indonesia. Nhiều môn, VĐV TP HCM thi đấu thiếu sự chỉ đạo của HLV trực tiếp nên tâm lý hoang mang, thiếu tự tin, ảnh hưởng đến thành tích.
Hướng tới Olympic
Sau khoảng nửa năm nữa, Olympic Tokyo sẽ khởi tranh. Thành tích SEA Games 30 sẽ là bước đệm để TTVN tính toán nhân sự đến Tokyo mùa hè 2020. Thể thao TP HCM mới có duy nhất VĐV đạt chuẩn A và điều cần thiết là với quỹ thời gian không còn nhiều, cần có thêm nhiều Lê Thanh Tùng và nhiều bộ môn bên cạnh thể dục dụng cụ. Ngành thể thao TP HCM mạnh dạn đề xuất tập trung đầu tư cho các VĐV trọng điểm có thành tích tiệm cận đỉnh cao châu lục và thế giới, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu đáp ứng yêu cầu hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình chuẩn bị của các đội tuyển…
Đào Tùng - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)