Đà Lạt luôn hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thơ mộng, và những món ngon với hương vị đặc trưng. Đó có thể chỉ là những biến tấu, nhưng khi nếm thử tại Đà Lạt, bạn vẫn cảm thấy khác lạ, điển hình là món bún bò Huế. Quán ăn trên đường Ba Tháng Tư, Đà Lạt mở hơn 3 năm nhưng đã được nhiều người đánh giá ngon.
Điều khiến món ăn gây ấn tượng với thực khách phải kể đến là hương vị nước dùng. Người đầu bếp phải thật khéo léo trong công đoạn nêm gia vị để cho ra tô bún có vị ngọt từ thịt quyện với hơi cay nhẹ nhàng của sa tế, mùi thơm của sả, vị đậm đà nhờ mắm ruốc và sắc đỏ hạt điều quyến rũ.
Tô bún nghi ngút khỏi bưng ra sẽ khiến bạn thích thú bởi mùi thơm phức xộc thẳng vào mũi, đánh thức các giác quan. Ảnh: VNE
Ở Đà Lạt, sợi bún được dùng có độ to vừa phải, săn chắc. Khi ăn bạn vẫn cảm nhận được độ mượt và dẻo của nó mà không ngán. Thực khách nào từng nếm qua món bún bò Huế một lần sẽ khó mà cưỡng lại sức hấp dẫn của nó ở những lần kế tiếp. Món ăn sẽ ngon hơn khi được cho thêm lát chanh, vài miếng ớt tươi và kèm theo chút rau thơm, giá, rau chuối bào mỏng,...
Đặc biệt với tiết trời se lạnh của Đà Lạt thì tô bún sẽ nhanh nguội hơn, vì thế bạn phải thưởng thức món ăn nhanh hơn một chút. Có lẽ chính điều này cũng một phần làm nên điều khác lạ trong cách thưởng thức các món ăn ở vùng đất này.
Bún riêu
Bún riêu là món không mấy phổ biến ở thành phố ngàn hoa. Có lẽ vì vậy mà nhiều thực khách đi ngang con đường Nguyễn Văn Trỗi ở phường 1 vẫn không kiềm lòng dừng lại ở một quán bình dân đã có thâm niên hơn 20 năm. Trung bình mỗi ngày quán bán khoảng 60 kg bún.
Điểm nổi bật trong tô bún là miếng riêu cua to được nấu khéo, vị đậm đà. Suất ăn còn có vài miếng huyết và xương heo. Cà chua chín có vị chua đặc trưng giúp món ăn thêm tròn vị, không bị ngấy. Khách có thể chọn tô bình thường giá 25.000 đồng hoặc tô đặc biệt đắt hơn 5.000 đồng.
Du khách có thể lựa chọn quán ăn không biển hiệu với thâm niên 30 năm ở Đà Lạt. Địa chỉ này nằm ở đầu đường Nguyễn Du, hướng vào từ đường Quang Trung. Ngoài bún riêu, thực đơn của quán này còn có bún bò Huế và mì Quảng.
Bún sứa
Sứa có vị mặn của biển, có tác dụng thanh nhiệt và giải độc rất tốt. Loại thường được nấu bún phổ biến là loại sứa chân, có màu trắng đục, vị giòn và rất ngon. Loại sứa này được ngư dân đánh bắt rất xa bờ và được làm sạch nhớt ngay tại biển. Nhiều người thường nghĩ chỉ ăn ở vùng biển mới cảm nhận được vị ngon nhưng quán bún sứa nằm ở cuối đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt lại mang đến một trải nghiệm ẩm thực khác lạ.
Bún sứa với vị thanh mát hấp dẫn thực khách. Ảnh: I.T
Quán bún cô Trà đã mở bán gần 6 năm, có nhiều món ăn khác nhau như bún chả cá, bún cá ngừ đại dương… nhưng hút khách nhất là bún sứa chả cá. Điều khiến tô bún hấp dẫn thực khách là độ tươi ngon của miếng sứa cùng hương vị đậm đà của nước dùng.
Theo lời chủ quán, sứa ở quán được lấy từ Quy Nhơn mỗi ngày. Ngoài ra, miếng chả cá tươi ở quán chắc, ngọt mềm. Món ăn còn có trái xoài xanh bào sợi và đậu phộng béo ngậy, khiến tô bún càng bắt mắt và hương vị thêm phần phong phú.
Vị nước dùng là một trong những điều ghi điểm trong lòng thực khách. Nước có vị mặn vừa đủ, ngọt từ cá và xương, mùi thơm của cà chua và cay của ớt. Món được ăn kèm với rau sống trụng nóng, nếu muốn tăng thêm vị bạn có thể cho thêm chút nước mắm ớt và chanh.