Chuyên gia ẩm thực nói gì về cà phê nước mắm?

Thứ hai, 28 Tháng 10 2024 09:58 (GMT+7)
Cà phê nước mắm là món mới, độc lạ nhưng khả năng thành “trend” mới như cà phê muối thì cần thêm nhiều yếu tố
 
Ngay sau khi Báo Người Lao Động đăng tải thông tin về món cà phê nước mắm được giới thiệu tại "Lễ hội nước mắm TP HCM" diễn ra đến 27-10, tại phố đi bộ Lê Lợi (quận 1), nhiều bạn đọc đã bàn luận và có những ý kiến trái chiều.
 
Nhiều người đã không ngại xếp hàng để thử cà phê nước mắm. Công ty TNHH Xúc tiến thương mại Du lịch Nam Phương đã tổ chức mời dùng thử cà phê nước mắm miễn phí với 4 loại chính là: cà phê đen mắm, cà phê sữa tươi mắm, cà phê sữa đặc mắm và cà phê kem mắm – dùng nóng và với nước đá.
 
Về công thức làm ra món cà phê nước mắm, bà Trần Thị Hồng Loan, Giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến thương mại Du lịch Nam Phương, nói bản thân bà đã mày mò, sáng tạo nên từ cảm hứng qua chuyện kể của một nghệ nhân ẩm thực.
 
Trước sức hút của món mới, một số người đã tính đến chuyện mở quán hoặc bổ sung "cà phê nước mắm" vào thực đơn.
 
Theo chuyên gia về ngành dịch vụ ăn uống (F&B), ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School, cà phê nước mắm là thức uống kết hợp độc đáo giữa một biểu tượng của ẩm thực Việt Nam là nước mắm và cà phê, thức uống phổ biến toàn cầu, đã tạo nên một làn sóng tò mò. Nhưng từ chủ đề nóng trên mạng xã hội đến kinh doanh thực tế là một khoảng cách dài.
Chuyên gia ẩm thực nói gì về cà phê nước mắm?- Ảnh 1.
Cà phê nước mắm
 
Chuyên gia ẩm thực nói gì về cà phê nước mắm?- Ảnh 2.
So với ngày khai mạc, món cà phê nước mắm đã được cải tiến
 
Chuyên gia này nói rằng cà phê nước mắm tuy sáng tạo nhưng lại đẩy giới hạn của khẩu vị truyền thống. Vị mặn của mắm kết hợp với vị đắng của cà phê có thể gây cảm giác "kén người uống", nhất là với những ai chưa quen với mùi mạnh của nước mắm. Ngay cả tên gọi cũng là một rào cản để người tiêu dùng tiếp cận.
 
Dù vậy, ông Thanh cũng nhận xét cà phê nước mắm tương tự với cà phê muối khi dùng bột mắm (nước mắm kết tinh – PV) làm topping. Để món này trở nên phổ biến hơn, việc điều chỉnh công thức sao cho hương vị mắm nhẹ nhàng hơn và hài hòa với cà phê là điều cần thiết.
 
"Tên gọi cũng là một yếu tố quan trọng. Thay vì gọi trực tiếp là cà phê nước mắm, các tên gọi như "Cà phê cốt biển" hoặc "Cà phê tuyết mắm" có thể giúp giảm bớt cảm giác gắt và tạo sự gần gũi hơn với khách hàng.
 
Đây là một bước cải tiến không chỉ về hương vị mà còn về mặt thị trường, khi cách gọi tên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cảm nhận đầu tiên của khách hàng" – ông Thanh gợi ý.
 
 

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Ẩm Thực