Tinh hoa ẩm thực truyền thống các dân tộc

Thứ ba, 16 Tháng 4 2019 10:32 (GMT+7)
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ hằng năm tụ hội hàng trăm loại bánh, trong đó có không ít loại bánh thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan bởi đại diện cho ẩm thực truyền thống của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… Năm nay, lễ hội lại mang đến không ít món ngon độc đáo, ít thấy trong đời sống thường ngày, được các nghệ nhân gìn giữ và phát huy qua nhiều đời.

Bánh xèo là món bánh dân dã thường xuyên xuất hiện trong ẩm thực Việt Nam. Ở Nam bộ, món bánh này đã trở thành đặc trưng văn hóa, thể hiện sự phong phú của sản vật thiên nhiên. Tại lễ hội năm nay, món bánh được biến tấu với hình thức mới: bánh xèo đa sắc, do ông Phạm Bửu Việt (Cần Thơ) sáng tạo. Bánh sử dụng các nguyên liệu màu từ các loại cây cỏ: lá dứa, dành dành, đậu biếc, cà rốt, gấc… để tạo nên 8 sắc màu. Trong ảnh: Ông Phạm Bửu Việt giới thiệu cách làm bánh xèo đa sắc từ thảo mộc.

Bánh xèo đa sắc.

Cốm dẹp là đặc sản của bà con dân tộc Khmer ở ĐBSCL, thường xuất hiện trong lễ mừng mùa lúa mới với ước vọng mùa màng bội thu. Cốm dẹp còn là vật phẩm dùng để cúng trăng trong dịp Lễ Ok-Om-Bok truyền thống của đồng bào  Khmer.
Trong ảnh:  Cô Thạch Thị Hạnh (Cần Thơ, phải) trình diễn quết cốm dẹp tại lễ hội.

Bánh dứa còn gọi là bánh rây, là món bánh truyền thống của bà con dân tộc Khmer với tên gọi Ọm Chiếl. Cô Thị Hận (Kiên Giang, phải), đã có thâm niên làm bánh hơn 20 năm, mang món bánh gia truyền hơn 3 thế hệ trong gia đình của cô đến với lễ hội.

Bánh dứa.

Bánh Namparang là đặc sản ẩm thực của đồng bào Chăm, làm từ bột mì và đường thốt nốt. Theo chia sẻ của chị Rô Phi Á (An Giang) khâu quan trọng làm bánh Namparang là kỹ thuật nướng bánh, phải sử dụng lửa than và nắp đậy bằng đất nung. Ngoài bánh Namparang, lần này chị Rô Phi Á còn mang đến bánh gừng, cũng là đặc sản của dân tộc Chăm đến với lễ hội.

Bánh khoai môn là món ăn truyền thống của người Hoa, thường dùng để cúng tổ tiên, ông bà trong các dịp tết truyền thống. Món bánh này có thể hấp hoặc chiên, tùy theo sở thích của từng gia đình. Trong ảnh, chị Đinh Thụy Bích Hạnh (Vĩnh Long) mang đến lễ hội bánh khoai môn đã được truyền hơn 4 đời trong gia đình chị.

Bánh nghệ Gò Công (Tiền Giang) là món bánh khá độc đáo của người Việt xuất hiện trong lễ hội năm nay. Nghệ nhân Lê Văn Kỷ cho biết món bánh gia truyền này đến ông là đời thứ 5, sở dĩ gọi là bánh nghệ vì đề cao hoa tay, nghệ thuật khi vẽ bánh. Bánh tương tự như bánh hỏi nhưng phải dùng tay để vẽ thủ công từng chiếc, rất kỳ công. Trong ảnh, nghệ nhân Lê Văn Kỷ làm bánh nghệ Gò Công.

Bánh nghệ Gò Công.

Kiều Mai - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Ẩm Thực