Và dẫu đất Mũi xa nhưng các đặc sản của vùng đất cuối cùng Tổ quốc đã vươn tới những vùng quê khác. Cô hàng mắm kể cho tôi nghe về loại mắm ba khía của Cà Mau. Ba khía không phải chỉ ở Cà Mau mới có, nhưng cách chế biến ở mỗi vùng có đặc trưng riêng tạo ra sự khác biệt chỉ có ở ba khía Cà Mau.
Để muối ba khía người ta phải pha dung dịch nước muối đủ độ mặn. Bao nhiêu là đủ độ. Có cách thử mà người Cà Mau đã truyền qua bao đời nay đó là thả hạt cơm nguội vào dung dịch muối. Nếu hạt cơm vẫn bồng bềnh trên mặt nước là đủ mặn để muối ba khía. Nghe cô kể tới đây tôi chợt nhớ khi xem một chương trình Du lịch vòng quanh thế giới có vùng biển gọi là biển chết, ở đó tất cả các vật thể đều nổi trên mặt nước biển, người ta có thể nằm trên mặt nước biển đọc sách, thư giãn, các nhà khoa học kết luận do hàm lượng muối ở biển này rất cao. Sau thời gian muối, ba khía được chế biến với đủ nguyên liệu, gia vị để có vị vừa ăn. Cô bảo không phải ai cũng quen với vị mắm và không phải ai cũng ăn được ba khía. Tôi nhớ hồi bé, bà đi Cà Mau đem về ba khía trộn. Ban đầu ăn chưa quen, mọi người nói món ăn gì mà ngộ. Nhai nhai rồi bỏ cứ như ăn trầu vậy. Vậy mà ăn một lần lại muốn ăn thêm, lại nhớ như người ta nghiện ăn trầu…Mà hồi đó Cà Mau thật là cách trở…Mỗi khi muốn ăn ba khía phải đợi người quen đi để gửi mua đem về.
Mắm Cà Mau không phải chỉ có ba khía mà còn có những loại khác như mắm cá mào gà và mắm cá sơn… Hai loại mắm này được làm từ những con cá nhỏ ăn không sợ mắc xương như mắm cá linh, mắm cá sặc và khách chỉ cần mua về là có thể thưởng thức vì đã được trộn sẵn.
Mắm cá mào gà được trộn với với khoảng hai mươi loại gia vị thoạt trông đã hấp dẫn thị giác: màu xanh của trái tắc (trái hạnh) xắt nhuyễn, màu vàng của gừng bào mỏng xắt sợi, màu đỏ của ớt, màu nâu nhạt của mắm trộn thính và nhiều loại gia vị khác chỉ có thể cảm nhận khi ăn chứ không thể nhìn thấy, vì đó là bí quyết để làm nên món mắm trộn đặc trưng Cà Mau.
Mắm cá sơn cũng được trộn nhưng lại theo một công thức khác ít gia vị hơn mắm cá mào gà.
Hai loại mắm này sẽ quyện cùng rau thơm, trái khóm (trái thơm) xắt miếng và thịt ba rọi luộc xắt mỏng ăn cùng cơm hoặc cuốn cùng bánh tráng là có một bữa ăn đậm chất sông nước Cà Mau.
Bạn bè đi Cà Mau về bảo nghe nói Cà Mau tưởng xa xôi hẻo lánh nên khi đến ngỡ ngàng về sự phát triển và tốc độ đô thị hóa. Nhà cửa khang trang, các công trình mọc lên, ra Năm Căn ngày nay có thể đi đường bộ để đến Mũi Cà Mau thay vì phải đi tắc ráng xuyên đêm như trước. Rồi bạn băn khoăn không biết đô thị hóa có làm phai đi chất mộc mạc, thật thà của người dân đất Mũi. Mình nói bạn lo xa rồi, ở đâu cũng có người tốt và chưa tốt nhưng sự mến khách, hiền lành chân chất đã thuộc về bản chất rồi sao có thể nhạt đi. Nói đâu xa như cô hàng mắm luôn rao hàng bằng câu chân thật: mắm ngon, rẻ nhưng không bổ vì cô nói vị mặn của mắm không tốt cho người bị cao huyết áp. Ai mua nhiều, cô hỏi lại đã ăn quen chưa, nếu chưa thì chỉ mua một ít để ăn thử nếu thấy ăn ngon lần sau mua nhiều…
Chiều nay, ngồi trên chuyến xe đường dài về Đất Mũi, cảm giác nôn nao vừa náo nức vì lần đầu đến cực tận cùng của đất nước vừa lại rất thân thuộc như trở lại chốn xưa. Xe lướt đi trong màn đêm yên tĩnh. Tôi chợt nhận ra cảm giác ấy là dẫu chưa một lần đến Cà Mau nhưng đã quá thân quen vị mặn mòi của vùng quê xứ này.