Rồi khi chị Dung, chị Tâm trao cho chúng tôi những gói cốm làng Vòng mùa nếp sớm, cẩn thận gói trong những chiếc lá sen xanh, chợt nghe như bao kỷ niệm ùa về và nghe như phảng phất mùi hương cốm tinh tế, nhẹ nhàng mà chảy thật sâu tận tâm can chở đầy bóng dáng Hà Nội của một thời sơ tán.
Những gói quà nho nhỏ ấy, nhắc nhở chúng tôi có một thời mấy gia đình coi nhau như một nhà, có món ăn gì cũng nhín nhút nhường xẻ cho nhau.
Nhớ Thanh Hóa, Hưng Yên, nhớ Gia Lâm- Hà Nội, rồi những ngày ác liệt giặc trút bom điên cuồng xuống Hà Nội, chúng tôi lại tiếp tục sơ tán về Hà Bắc.
Cứ thế những đứa trẻ hồn nhiên lớn lên, tuổi thơ làm quen với những tiếng còi báo động mà tự biết xuống hầm trú ẩn, có những đứa vô tư ngắm bầu trời đêm lóe sáng dưới đạn bom.
Cũng ngày xưa ấy, gia đình tôi cũng hay được biếu nhiều quà, những lúc ba đi công tác về phía sau xe đạp thường buộc mấy khúc mía hay mấy củ khoai, nải chuối, gói lạc rang… treo toòng teng trước ghi đông. Đó là những món quà từ các gia đình đã từng được ba chữa bệnh.
Hồi đó, hễ nghe có bệnh là ba xách giỏ đi bất kể mưa gió đêm hôm, tay cầm theo chiếc đèn bão. Vậy nên được mọi người thương quý, sau 44 năm ngồi đây, các chị vẫn còn ngồi nhắc từng chi tiết một, nhiều cái ba đâu có nhớ.
Thời gian đưa đẩy mỗi người theo mỗi hướng, chị Tâm, chị Dung đều là phó giáo sư đã nghỉ hưu ở Hà Nội, anh Dũng cũng là lãnh đạo ngành viễn thông.
Tất cả chúng tôi đều đã già có lẽ cũng không còn thiếu thốn như ngày xưa ấy, nhưng những gói món quà quê ngày xưa và cả gói quà cốm Vòng hôm nay, đều có chung dòng hoài niệm, dẫn dắt mình trở về với một thời đượm nghĩa, đượm tình.
Gói cốm làng Vòng nâng niu dành lại, tôi ướp thêm mấy cánh sen hái trước nhà, như ướp thêm phong vị đất trời phương Nam hòa quyện vào cái hương vị tinh tế, ý nhị đầy đặn tình người phương Bắc. Khoan hãy vội ăn.