Nấu nồi nước, cho 1 chén tôm khô đã rửa sơ qua ninh lấy nước ngọt. Chỉ nấu đến khi tôm khô vừa mềm thì vớt ra để ráo, cho vào máy xay, nhưng đừng xay nhuyễn quá. Bỏ vào nồi 2 củ hành tây đã nướng vàng và 4 cây sả cắt khúc. Cá thu sơ chế sạch, lấy phần xương và đầu thả vào nồi nước lèo; phần thịt cá thêm chút nước muối pha loãng, tiêu, tỏi, xoa chút dầu ăn lên tay rồi nhồi đều cá cho nhuyễn. Nhồi đến khi có cảm giác khối cá nặng tay, dẻo quẹo là xong, chỉ tạo hình khối vuông, tròn tùy ý, chờ chiên vàng là dùng.
Bắc chảo, cho dầu ăn vào làm nóng, cho tiếp hành tím băm nhỏ vào, kế đến là tỏi và sả băm, bột cà-ri, chút sa-tế phi thơm. Khi hỗn hợp dậy mùi thơm thì cho tôm khô đã xay vào, nêm tí muối, đường, đảo đều tay. Đường tan thì tắt bếp. Chia đôi tôm khô, một nửa cho trở lại vào nồi nước lèo, phần còn lại để dành rắc lên tô bún sau.
Cho ít mắm ruốc Huế ra chén, dằn tí bột ngọt vào, múc ít nước lèo đổ vào mắm, khuấy đều rồi trút ngược vào nồi cùng với chút nước cốt dừa, khi hỗn hợp sôi trở lại, nêm vào chút mắm ngon, nếm lại cho vừa ăn.
Nồi nước dùng nấu xong thì chả cá thu cũng đã được chiên vàng, hành tím bào mỏng phi vàng, rau cải ăn kèm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ còn chờ các thành viên trong gia đình đủ mặt là bày ra ăn. Mấy đứa con đứa nào cũng xuýt xoa, trầm trồ với món ăn lạ mắt và cả lạ miệng, nhưng cũng không quên thắc mắc với má về tên món ăn. Má cười: “Thì nguyên liệu chính là cá, nên có tên bún cá. Nhưng thay vì nấu với xương heo cho ngọt nước, thấy nhà còn tôm khô nên má lấy ra nấu luôn. Vậy nên mới có cái tên bún cá… lai”.