Thì ra cá nhụ ngoài đó là con cá chét trong Nam mình. Nhưng cũng lạ, sao cái thứ ngon vậy mà dân miền Tây mình cũng khá nhiều người chưa biết.
Những con cá chét ướp đá mang về Vĩnh Long chế biến vẫn ngọt thịt vô cùng.
Cá chét có thịt dai, ngọt, ít xương, nhiều dưỡng chất nên luôn được người sành ăn chọn cho thực đơn của gia đình. Lần đầu được thưởng thức món cá chét kho lạt chấm với một “rổ” đủ các loại rau sống hái quanh vườn nhà; đúng vào buổi trời mưa lắc rắc, bụng đói, chúng tôi ăn quên no.
Cá chét nước lợ tự nhiên được nuôi và sinh sống trong môi trường hoàn toàn tự nhiên ở rừng ngập mặn Năm Căn (Cà Mau).
Thức ăn của cá là tảo và các động vật phù du sẵn có trong ao, những loại vi khuẩn phân hủy từ lá cây mắm, cây đước trong rừng ngập mặn và không sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng hay bất kỳ chất độc hại nào khác.
Mô hình nuôi cá chét- cá nhụ nước lợ được xem là mô hình nuôi tôm cá tự nhiên vừa giúp cân bằng môi trường tự nhiên vừa bảo vệ rừng.
Quá trình thu hoạch, kéo lưới cá chét tự nhiên và bảo quản không hề sử dụng chất bảo quản hoặc hóa chất để đảm bảo chất lượng cá và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bà con xứ này cho biết, con cá chét có thể được chế biến rất nhiều món ngon, từ kho lạt đến nấu ngót hay tẩm ướp chiên với nước mắm nhỉ tạo nên hương vị vô cùng độc đáo. Khi cá mắm nhiều, người ta đem cá chét xẻ khô, có loại phơi dốt dốt một nắng để dành chế biến mồi nhậu thì khỏi phải nói.
Giá cá chét ở Cà Mau đang tăng cao, người dân đánh bắt hay nuôi thả đang thu hoạch mùa thắng lợi. Loại cá tuyển đi chợ lớn có giá chót cũng vài trăm ngàn; dạng cá nhỏ bán chợ quanh đây cũng có giá 70.000- 80.000đ/kg.
Về miệt biển Cà Mau, thưởng thức món cá chét tươi ngon một lần thôi, sẽ nhớ mãi một ngày mưa nơi đất Mũi.