Mẹ ở quê điện lên bảo: “Mẹ gửi một hộp cá bống cát kho lên cho con với mấy đứa bạn cùng phòng ăn. Nhớ chiều ra bến xe lấy sớm, kẻo trễ nó chạy ngược trở về quê”. Rồi mẹ cẩn thận đọc từng số điện thoại, biển số xe. Ngay khi dứt cuộc trò chuyện, tôi hí hửng thông báo với đám bạn rằng: “Tụi bây ơi, chiều nay khỏi phải ăn mì tôm rồi. Có món cá bống cát kho. Chắc phải nấu hai nồi cơm mới đủ à”.
Mẹ nói là gửi một hộp nhưng tôi biết chắc đổ ra là đầy nồi, kèm theo đó là rau càng cua và một bao gạo. Bao giờ cũng vậy, mẹ gom một lần gửi cho nhiều để tiết kiệm phí gửi cũng như chu cấp thực phẩm cho tôi đủ dùng một tuần. Đặc biệt là món cá bống cát kho. Đây là món tôi thích ăn, cũng như bọn bạn cùng phòng. Món này ăn với cơm, canh nóng hoặc rau càng cua thì khỏi phải chê.
Mùa này ở quê, cá bống cát không biết từ đâu lũ lượt kéo nhau về những con mương, rạch. Mò cá, nước ngập ngang eo, người mò chỉ việc ngồi xuống, dùng tay ấn chặt xuống bùn để bắt. Trước khi mò, người ta bước đi tiến về phía trước, dùng bàn chân giậm dấu thật sâu xuống bùn rồi tát nước về phía trước mặt để cá sợ, ẩn mình dưới dấu chân. Chừng 15 phút sau, chỉ việc ấn tay xuống là bắt cá. Nhưng kiểu bắt cá này rất khó, phải chuyên nghiệp và đợi cho nước rong mới mò được. Còn đi xúc cá, không những bắt được cá bống cát mà còn có cá lòng tong, tôm, tép, bống dừa, bống sao, cá rô,... Cũng như bao người phụ nữ làng quê, học đi xúc từ thời con gái nên khi về sống chung với cha, mẹ rất thạo, lo chu toàn bữa ăn gia đình từ việc đi xúc cá. Và thói quen này mẹ vẫn duy trì tới giờ dù tuổi đã ngoài 60. Hàng ngày, mẹ mang rổ tre to bằng cái thúng, qua nhà hàng xóm rủ rê các dì, các cô đi xúc. Nước xuống, mỗi người chia nhau một đoạn hoặc những con mương song song cùng nhau xúc và trò chuyện rôm rả. Những con mương này được hình thành từ việc người ta đào đất, dẫn nước để tưới tiêu cho dừa, cho mía, vườn cây ăn trái. Do được thông ra các con sông lớn, kênh lớn nên cá, tôm kéo nhau về cư ngụ. Mẹ mang theo một cái nồi nhôm, bên trong bỏ lá cây vào rồi úp chiếc rế lên. Làm như thế là để cho cá không nhảy ra ngoài được. Rồi mẹ dùng sợi dây dài, một đầu buộc vào quai nồi, đầu kia buộc vào bụng. Mẹ đi xúc đến đâu thì chiếc nồi trôi theo đến đó. Cá bống cát là loài cá ưa lạnh, nhát, nên hay núp vào những đám lá. Mẹ chỉ cần đưa rổ vào, dùng tay quơ quào lùa vào rổ nhanh lẹ rồi đưa lên cao, bảo đảm không dưới 3 con cá bống cát to chui vô rổ. Cứ thế, mẹ tiếp tục đi hết con mương phía bên trái rồi sang bên phải, kết hợp với mò giậm dấu. Đến khi nước rút xuống, buổi chợ tan, mẹ và mọi người đi về. Lúc này, nồi người nào cũng đầy ắp cá bống cát.
Cá bống cát khi lên cạn giây lát là ngộp và chết. Vì thế, khi về nhà, mẹ để nguyên bộ đồ đi xúc rồi làm cá ngay, kẻo ươn không ngon. Mẹ tỉ mẩn làm sạch từng con, để ráo rồi ướp với nước màu, chút nước mắm, đường, bột ngọt, tiêu, ớt,... Để nồi cá qua một bên cho cá thấm đều gia vị, sau đó bắc lên bếp, bật lửa lớn kho cho cá săn thịt, chắc lọi, đổ vào nồi một ít nước dừa (hoặc nước lọc). Khi cá ngập nước, chỉnh lửa ở độ riu riu cho đến khi nồi cá sền sệt nước thì tắt bếp. Mẹ không quên rắc một ít tiêu xay để xúc tác mùi thơm. Thịt cá bống cát ngọt, chắc, thơm, ít xương nên ăn rất ngon.
Tôi nhận món quà từ quê mẹ gửi lên mà nghe thương nhớ tràn về. Mẹ chẳng những lo cho anh em tôi có cuộc sống chu toàn, quán xuyến gia đình yên ấm mà còn tạo ra những món ăn ngon miệng. Cứ mỗi lần ăn món cá bống cát kho, món ăn gắn liền với một thời tuổi thơ, tôi lại nhớ đến mẹ, người phụ nữ cả đời sống vì gia đình và con./.