Canh xương rồng. Ảnh: KIỀU MAI
Thực ra, ở xứ biển Quảng Nam, từ xưa xương rồng đã là nguyên liệu trong các bữa ăn với đủ cách chế biến: xào, kho cá, làm gỏi, nấu canh… Với người Tam Thanh, canh xương rồng vừa là món dân dã vừa là món ngon đãi khách quý. Dân dã vì nguyên liệu gắn liền xứ biến, dễ tìm. Quý vì ngày nay không mấy ai còn nấu món này và cách làm cũng khá kỳ công. Nguyên liệu chính gồm cá biển, đọt non xương rồng và lá chua (loại dây leo mọc bụi ở ven những vùng quê xứ Quảng, ở miền Tây gọi là bụp giấm). Lá rau chua có hình răng cưa, vị chua thanh, nhè nhẹ như lá me đất, lá càng già thì vị chua càng đậm.
Cá để nấu canh có thể là cá leo, cá thu, cá lạt, cá ồ… miễn là cá biển tươi. Cá được làm sạch, cắt khúc vừa ăn và ướp bằng nước mắm nhỉ, chút muối, bột nêm trong khoảng 10-15 phút. Kỳ công nhất là sơ chế xương rồng. Loại xương rồng ba cạnh được cắt đoạn khoảng 10cm (lấy từ phần đọt xuống), gọt hết cạnh gai, lột sạch lớp màng mỏng trắng ở các cạnh, cắt lát mỏng khoảng 2-3mm. Xương rồng cắt ra tựa như những ngôi sao, nhưng chỉ có 4 cánh. Để khử mùi, bớt nhớt, sạch mủ xương rồng, người ta ngâm những lát xương rồng vào nước muối trong 20-30 phút, sau đó vớt ra vắt cho ráo nước. Chuối chát gọt vỏ, cắt lát vừa ăn. Sau khi chuẩn bị tất cả các nguyên liệu, cá được cho vào nồi sơ chế, đổ nước xăm xắp. Khi cá vừa chín, lần lượt cho chuối chát, xương rồng vào; sau đó là lá chua, nêm nếm chút gia vị là tắt bếp. Có thể để thêm vài cọng rau húng lủi vào khi dọn món.
Vị cá biển tươi ngọt, vị chua nhẹ của các loại nguyên liệu đã tạo nên món canh khá hấp dẫn và thanh đạm trong những ngày nắng nóng. Những lát xương rồng dai dai, giòn giòn, chua nhẹ càng làm cho món ăn thêm độc đáo. Xương rồng còn được giới khoa học ẩm thực quốc tế coi là một loại siêu thực phẩm mới, có nhiều dược tính trị mệt mỏi, căng thẳng, các bệnh tiểu đường, gai cột sống, cao huyết áp...