Canh cá rô nấu với tía tô

Thứ bảy, 29 Tháng 6 2019 17:18 (GMT+7)

Nguyên liệu chính món canh “cá rô nấu tía tô”.

Nguyên liệu chính món canh “cá rô nấu tía tô”.

Mùa mưa, cá rô đồng xương mềm, béo núc, không chỉ chế biến các món ăn ngon, khoái khẩu mà còn có thể được sử dụng để làm “món ăn bài thuốc” chữa bệnh rất tốt.

Theo Đông y, thịt cá rô đồng có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, loại gân xương, bớt đau đầu nhức mỏi,... rất tốt cho người khí huyết suy, cơ thể suy nhược, tỳ vị yếu, ăn uống không tiêu...

Theo các nhà dinh dưỡng, cá rô đồng là một trong những thực phẩm hiền, giàu dinh dưỡng. Trong 100g thịt cá rô đồng chứa chất đạm 20,3g, chất béo 1,5g, và các chất khoáng vi lượng như can xi, phosphor, sắt, vitamin B1, B2…

Cá rô đồng được chế biến nhiều món ngon như nướng chấm mắm gừng, chiên giòn, um, nấu canh, kho nghệ…

Không ít lời khuyên cho người bệnh gút nên ăn thịt cá rô đồng bởi hàm lượng chất đạm vừa phải, giảm tăng cholesterol trong máu ngăn ngừa bệnh tim mạch, giảm viêm tốt. Thế nên thịt cá rô đồng được xác định tốt cho người bị gout, nếu phối hợp chế biến cùng với một số thực phẩm khác sẽ phát huy tác dụng chữa gout tốt hơn. 

Trong khi đó, tía tô không chỉ là một vị thuốc dân gian mà còn là một vị thuốc thảo dược của Đông y, một loại rau gia vị có vị cay, tính ấm. Thuộc loại thuốc giải biểu chuyên làm ra mồ hôi, hạ sốt, giảm ho....

Lá tía tô bao gồm nhiều dưỡng chất: vitamin A, C giàu hàm lượng Ca, Fe… lá tía tô được dùng trong những món rau sống dân dã, lá non được dùng nấu canh, nấu cháo giải cảm…

Nhưng ngon nhất, đặc biệt và độc đáo nhất là canh cá rô nấu với tía tô. Cách nấu như sau: Cá rô đồng 200g, lá tía tô non 100g, gừng 1 nhánh nhỏ, gia vị vừa đủ. Đem cá rô sơ chế sạch, cắt vi, đánh vảy, khía bụng, bỏ ruột, bỏ mang, rửa sạch nhớt.

Đun sôi nước, cho cá rô đồng vào luộc với gừng, chín thì vớt ra, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá đem giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước (lọc bằng nước luộc cá sẽ thơm ngon hơn). Lá tía tô đem rửa sạch, cắt ngắn khoảng 1cm.

Đun sôi nước cá, cho tía tô vào nấu, gần chín cho thịt cá vào nấu chín, nêm gia vị vừa miệng; hoặc phi dầu ăn với củ nén cho thơm rồi bỏ cá rô đồng (đã sơ chế) vào tao, nêm nếm gia vị, cho nước dùng vừa đủ nấu sôi và cho rau tía tô vào, nấu chín, cho ớt hiểm, hành lá vào nêm nếm lại cho vừa ăn. Nhớ là canh này ăn nóng với cơm nóng kèm chén nước mắm ớt.

 

Bát canh “cá rô nấu tía tô” thơm ngon, nhiều dinh dưỡng  và chữa được nhiều bệnh, có lợi cho sức khỏe.

Bát canh “cá rô nấu tía tô” thơm ngon, nhiều dinh dưỡng và chữa được nhiều bệnh, có lợi cho sức khỏe.

Bát canh “cá rô nấu tía tô” không chỉ là bát canh suông mà còn là một “bát thuốc” có tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, tiêu thực, làm ra mồ hôi, giải độc, hạ sốt, nhức đầu, ho hen suyễn, làm đẹp da; tính ấm có tác dụng hạ khí, tiêu đờm dùng chữa cảm cúm không ra mồ hôi và ho tức ngực, nôn đầy bụng chứng táo bón...

Ngoài tác dụng bổ dưỡng, thơm ngon và trị được nhiều bệnh trong mùa đông ra, bát canh còn có tác dụng chặn đứng gần như ngay tức thời những cơn đau do gout cấp tính gây ra.

Hỗ trợ điều với người bị bệnh gout, thì hàng ngày nên ăn món canh này nhằm đề phòng bệnh tái phát bởi trong lá tía tô có chứa nhiều tinh dầu và các hoạt chất có tác dụng giảm đau chống viêm, giãn mạch, ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn nên có tác dụng rất tốt trong các đợt cấp tính của bệnh gout.

Tháng mười mưa gió “sụt sùi”, không ai có thể cưỡng lại bát canh ngon ngọt, thơm ngon nóng hổi của cá rô đồng béo, ngọt cùng rau tía tô nồng, ấm. Tuy nhiên, trong trường hợp cảm nóng, sốt cao; người ra nhiều mồ hôi sử dụng cần thận trọng.

Bài, ảnh: TIÊN SA - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Ẩm Thực