Ở các chợ hiện nay, ốc lác có quanh năm. Ốc là loài phàm ăn lại chứa nhiều tạp chất, nên muốn ăn phải rọng 2-3 ngày, muốn ăn liền phải ngâm với ớt để ốc nhả hết tạp chất.
Ốc lác có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Ảnh: Hoàng Vũ
Hồi tôi còn ở quê, nhà làm ruộng nên ốc lác nhiều vô số kể, bây giờ hầu như bị tuyệt chủng bởi ốc bươu vàng tấn công không thương tiếc. Niềm vui của bọn trẻ thuở ấy là hễ trời sang mưa, nước ngập đồng, xách thùng đi bắt một lát quẩy về không nổi.
Mùa sang mưa ốc bị ốm, chứa nhiều tạp chất ăn không ngon bằng ốc mùa hạn. Thường vào mùa nước gọt, ốc lác xuống các con kênh, lung, sông để kiếm ăn, chỉ cần chống xuồng hàng ngang lá bông súng lật ngửa tha hồ mà bắt.
Ốc lác bắt về bỏ vào bao, buộc thật chặt miệng bao lại, sau đó đem treo trên giàn bếp (phải là bếp nấu bằng củi), khoảng 4-5 tháng đem ra chế biến món ăn. Điều lạ là ốc không ăn uống mấy tháng trời mà không chết, lại mập, trắng sạch từ miệng tới ruột. Tuỳ theo ý thích mà chế biến các món ăn, nhưng món nào cũng ngon, hấp dẫn.
Thời đó, tôi thường đem ốc treo giàn bếp xuống rửa thật sạch, lau thật khô cho vào chậu, thau rồi đổ sữa bò hay nước cốt dừa thật đặc vào, cho ốc liếm hết phần sữa, nước cốt dừa, sau đó cạy ra lấy hết thịt ốc lăn bột chiên giòn, chấm muối tiêu chanh hay nước mắm chua, kèm theo ít rau sống.
Giờ mỗi lần đi lai rai cùng bạn bè ở các quán tôi hay kêu món ốc lác luộc cơm mẻ, hấp gừng, nấu chuối… Thoang thoảng hương vị ấy chợt nhớ da diết về ký ức tuổi thơ, những tháng ngày lam lũ ở miền quê bắt ốc, cắm câu với món ăn dân dã ốc lác treo giàn bếp./.