“Bàn tay ảo thuật” của người bán là bí quyết độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm của nhiều người
Kẹo chỉ hay còn gọi là kẹo tơ hồng, kẹo giũ là món ăn vặt dân dã, quen thuộc trong ký ức của nhiều người. Tuy không phổ biến bằng kẹo kéo nhưng kẹo chỉ cũng được nhiều trẻ nhỏ từ nông thôn đến thành thị ưa chuộng. Dù là món ăn vặt nhưng kẹo chỉ được làm khá công phu và tỉ mỉ.
Từ một khối mạch nha lớn ban đầu, người thợ lấy một mẩu nhỏ rồi cuộn tròn lại, lăn vào khay bột năng. Sau những động tác tay liên tục, người thợ vừa quấn, vừa kéo giãn rồi giũ thật mạnh để lớp bột năng vừa được nhúng rơi xuống. Chỉ trong tích tắc, khối mạch nha “biến hình” thành hàng ngàn sợi dây nhỏ li ti nhờ “bàn tay ảo thuật” của người thợ. Đây cũng chính là điều hấp dẫn khiến kẹo chỉ thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Các sợi dây nhỏ này được để lên miếng bánh tráng giấy rồi phủ thêm dừa nạo bào sợi, thêm miếng sữa đặc và đậu phộng rang lên trên bề mặt.
Anh Nguyễn Văn Dũng (người có thâm niên hơn 10 năm bán kẹo chỉ) cho biết: “Gọi là kẹo nhưng kẹo chỉ lại giống bánh hơn, không chỉ do hình dạng mà còn bởi nguyên liệu và các bước thực hiện. Nguyên liệu và công cụ làm kẹo chỉ rất đơn sơ, dễ tìm. Thành phần quan trọng nhất, quyết định độ ngon của kẹo chỉ chính là đường. Khi nấu phải thắng dẻo với mạch nha và canh lửa vừa phải để đủ độ mềm dẻo và giữ được hương thơm đặc trưng. Bánh tráng giấy được làm từ bột lọc ép khô. Dừa nạo thì chọn trái có cơm dày có thể bào ngay tại chỗ”.
Thưởng thức kẹo chỉ ngay lúc vừa làm xong sẽ cảm nhận được độ giòn tan của bánh xốp, hương thơm đặc trưng trong từng sợi dừa bào, vị béo ngậy của đậu phộng rang hòa quyện cùng vị ngọt của đường tan chảy ngay đầu lưỡi. Màu trắng tinh khôi, vị ngọt ngào, dẻo mềm của kẹo chỉ làm nên hương vị rất riêng và độc đáo, luôn khiến người ta phải mê mẩn.
“Kẹo chỉ gắn liền với thời cắp sách đến trường của tôi. Ngày đó, muốn thưởng thức trọn vẹn món kẹo chỉ này chỉ cần 500-1.000 đồng là được. Nó như phần thưởng xa xỉ dành cho những đứa trẻ chăm ngoan, nghe lời cha mẹ mỗi lúc tan trường” - chị Minh Thơ (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) chia sẻ.
Ngày nay, theo đà phát triển, những chiếc xe chở kẹo chỉ với dòng phấn trắng thong dong qua từng con đường không còn nhiều nữa. Thế nhưng, kẹo chỉ bằng mọi cách vẫn giữ được sự tồn tại và in sâu vào tiềm thức của bao thế hệ như một phần ký ức tuổi thơ đã đi qua./.