Nước quýt hồng cô đặc - “làn gió mới” cho thủ phủ quýt hồng

Thứ ba, 23 Tháng 7 2019 12:09 (GMT+7)
Nếu ai đã từng bị hấp dẫn bởi trái quýt hồng, một sản vật tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho nông dân vùng ven sông Hậu, ắt hẳn sẽ cảm thấy tiếc vì loại trái này mỗi năm chỉ ra trái và chín một lần vào dịp Tết âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, với các sản phẩm chế biến từ trái quýt hồng của chị Nguyễn Thị Kim Phương, chủ Cơ sở sản xuất trà Phương Anh (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) thì ước muốn này sẽ không còn là xa xôi.


Chị Nguyễn Thị Kim Phương giới thiệu sản phẩm tại phiên chợ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được tổ chức tại TP.Cao Lãnh

Tết Nguyên đán năm 2017 và 2018, giá quýt hồng gần như rớt thấp kỷ lục, nhiều nhà vườn trồng quýt hồng ở huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò như “ngồi trên chảo lửa” vì không tìm được đầu ra. Cũng như nhiều nhà vườn khác, thời điểm đó, gia đình chị Kim Phương có đến 3ha quýt hồng đang cho trái, với sản lượng hàng chục tấn, rất chật vật khi phải suy nghĩ giải pháp tiêu thụ hết sản lượng quýt trong giai đoạn đó. Chị Kim Phương nhớ lại: “Năm 2017 và 2018, dù đã đến ngày 28 và 29 Tết, nhưng quýt vẫn còn đầy ngoài vườn, gia đình ai cũng sốt ruột vì kinh tế cả 1 năm chỉ trông chờ vào vụ mùa này. Thời điểm đó, tôi luôn trăn trở một điều, ngoài ăn tươi thì quýt hồng có thể chế biến được gì? Tôi bắt đầu chọn những quả quýt thơm ngon nhất vườn của mình để chế biến thử. Nước cốt quýt hồng cô đặc là sản phẩm chế biến đầu tiên tôi thực hiện. Thời điểm đó, tôi không có một chút kiến thức hay kinh nghiệm gì về chế biến thực phẩm. Tất cả được thực hiện bằng kiến thức nấu nướng mà tôi có được. Với tôi thời điểm đó, cái quý giá nhất mà tôi có khi khởi nghiệp chính là niềm đam mê với trái quýt hồng”.

Sau nhiều lần thất bại rồi tự điều chỉnh, cuối tháng 8/2018, sản phẩm nước cốt quýt hồng của chị Kim Phương chính thức đưa ra thị trường. Các địa điểm tham quan vườn quýt hồng là những kênh phân phối đầu tiên được chị Phương nhắm đến. “Chọn những điểm tham quan vườn quýt là những kênh tiếp thị đầu tiên là vì tôi muốn du khách xa gần biết nhiều hơn nữa đến quê hương, xứ sở của mình. Tôi muốn giới thiệu với du khách biết ngoài sản vật quýt hồng trái thì nhà vườn chúng tôi còn có cả nước cốt quýt hồng và nhiều đặc sản khác nữa” - chị Kim Phương chia sẻ.

Để có được sản phẩm nước cốt quýt hồng cô đặc quả thật không phải là câu chuyện dễ dàng với một người phụ nữ quanh năm chỉ biết ruộng vườn như chị Phương. Chị Kim Phương đã không còn nhớ nỗi mình đã phải suýt bỏ cuộc bao nhiêu lần khi sản phẩm thất bại. Tuy nhiên, nhờ sự động viên từ gia đình và có được sự đồng hành của những người cộng sự tâm huyết, hiện tại ngoài sản phẩm nước cốt quýt hồng cô đặc, chị Kim Phương còn nghiên cứu và cho ra đời thêm nhiều dòng sản phẩm mới khác được chế biến từ trái quýt hồng như: tinh dầu quýt, trà quýt, rượu quýt, chế phẩm sinh học từ quýt hồng... Dù là sản phẩm khá mới, song nước cốt quýt hồng cô đặc và các dòng sản phẩm khác của chị Phương được sự đón nhận khá tích cực từ người tiêu dùng. Hiện sản phẩm nước cốt quýt hồng cô đặc của chị Phương đã được chào bán tại nhiều khu du lịch trên địa bàn tỉnh và một số kênh bán hàng đặc sản một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Nguyễn Đăng Thi - nhân viên phụ trách phát triển thị trường của cơ sở chị Phương chia sẻ: “Xu hướng hiện nay người tiêu dùng rất cần đến là sản phẩm sạch và chất lượng. Do đó để đảm bảo vấn đề này, chúng tôi quy hoạch cho mình một vùng nguyên liệu được sản xuất theo quy trình VietGAP khoảng 8ha và cũng đang kết nối với các nhà vườn khác để mở rộng vùng nguyên liệu lớn hơn. Ngoài các dòng sản phẩm chính, sắp tới để phát triển sản phẩm theo chiều sâu, chúng tôi cũng hướng đến phát triển thêm các sản phẩm về làm đẹp được được chiết xuất từ quýt hồng phục vụ cho nhu cầu của chị em phụ nữ”.

Mỹ Lý - (baodongthap.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Ẩm Thực