Nhắc đến bánh canh ở Bảy Núi không thể không nhắc đến bánh canh Vĩnh Trung, món ăn được làm từ bột gạo kết hợp với nước súp đậm đà được bày bán nhiều nơi ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên). Cách đây rất lâu, bà Neang Oanh Na vì mê hương vị gạo thơm Neang Nhen nên cất công chế biến bánh canh từ nguyên liệu lúa sóc, một loại lúa mùa do người Khmer Bảy Núi trồng. Cọng bánh canh Vĩnh Trung không tròn mà lại dẹp, nhỏ, trắng phau, mềm, dai, mang đậm vị ngọt từ hạt gạo thơm thuần khiết ở Bảy Núi. Bên cạnh cọng bánh canh ngon vẫn không thể thiếu nồi nước súp đặc trưng được ninh với xương heo, xương gà, cá đồng, tôm hòa quyện với nhau tạo nên tô bánh canh đặc biệt có hương vị khó quên. "Tôi ăn bánh canh ở khắp nơi nhưng chưa nơi nào có hương vị khó quên như ở đây. Nước súp đậm đà, vị ngọt thanh của thịt, cá, thêm vào đó là cọng bánh canh dai dai ngon không thể tả. Lần nào về Bảy Núi du lịch, tôi và bạn bè cũng phải ghé ăn 1 tô bánh canh Vĩnh Trung mới đi tiếp” - anh Phạm Minh Long (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Thực khách thưởng thức bánh canh Vĩnh Trung
Nếu Tịnh Biên có món bánh canh Vĩnh Trung trứ danh thu hút thực khách, thì ở Tri Tôn, các món bánh canh cũng không kém phần độc đáo, hấp dẫn. Trong số đó không thể bỏ qua món bánh canh hành mộc mạc, dân dã. Quán không có bảng hiệu, người bán không cần chào mời nhưng vẫn được rất đông thực khách tìm đến thưởng thức tô bánh canh hành nóng hổi, cọng bánh canh mềm, dai, hương vị của hành lá, nước súp, thịt, cá lóc. Đặc biệt, tô bánh canh có rất nhiều hành, nào là hành lá, hành phi tạo nên hương vị đậm đà. Bà Phương Thị Đầy (thị trấn Tri Tôn) - đầu bếp chính của quán cho biết, để có tô bánh canh ngon quan trọng phải có cọng bánh canh ngon. Đầu tiên phải vo gạo, đem ngâm mềm rồi xay thành bột. Khi khô nước, bột được đưa vào cối giã rồi mang ra nhào nặn thành bánh bột lớn, sau đó đem bánh bột đi luộc. Khi chín đem ra cán mỏng lại, dùng dao bén xắt bánh canh cho vào nồi nước đang sôi. Sau đó vớt ra cho vào tô và thêm thịt, cá, nước súp là có thể mang cho thực khách thưởng thức. Do cọng bánh canh đã được luộc chín, nên có thể ăn liền, công đoạn vừa nấu vừa bán cứ thế diễn ra liên tục. Khoảng 1kg bột nấu được khoảng 10 tô bánh canh, mỗi ngày quán bán hơn 20kg bột cho các thực khách quanh vùng và phương xa. “Khi xắt bột sống vào nồi nước sôi, cọng bánh sẽ nở ra giảm độ dai, ăn dễ bị ngán. Vì vậy, phải luộc bánh bột trước, tuy cực hơn so với nấu bằng bánh tằm hoặc cọng bánh canh mua sẵn ở lò nhưng cọng bánh do tự mình làm ra vẫn vừa ý hơn, thực khách ăn cảm thấy ngon hơn” - bà Đầy chia sẻ.
Bánh canh hành
Ở Tri Tôn vẫn còn một món bánh canh mà những ai từng nghe đến tên cũng phải một lần nếm thử, đó là món bánh canh bánh cam. Chạy dọc theo hướng từ thị trấn Tri Tôn đến hồ Soài So, rất dễ thấy vài quán ăn nhỏ ven đường đang nghi ngút khói với rất đông thực khách đang ngồi ăn. Tô bánh canh chỉ đơn giản được nấu bằng cọng bánh tằm tròn trong nồi nước súp to với thịt, cá như bao nhiêu loại bánh canh khác. Điểm đặc biệt ở dĩa bánh ăn kèm không phải bánh mì hay bánh củ cải, mà thay vào đó là bánh cam. Thưởng thức tô bánh canh nóng hổi, thơm ngon hòa quyện cùng miếng bánh cam vừa mới chiên ngoài giòn, trong mềm dai béo ngậy tạo nên một hương vị vừa lạ, vừa quen không thể nào tả được, khiến những ai một lần nếm thử cũng phải xao xuyến.
Bánh canh Lò Rèn
Nổi tiếng không kém khi nhắc đến địa điểm ăn uống ở Tri Tôn chính là bánh canh Lò Rèn trên đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Tri Tôn). Cọng bánh canh ở đây được làm bằng phương pháp thủ công tại nhà tương tự như cọng bánh canh Vĩnh Trung và bánh canh hành, chỉ khác biệt ở hương vị nồi súp và cách phối trộn nguyên liệu ăn kèm để hợp khẩu vị của thực khách. “Bạn em quê ở Tri Tôn nên mỗi lần về quê bạn chơi là em ghé đây ăn như một thói quen. Mặc dù không gian quán hơi nhỏ và nóng nhưng vẫn rất đông khách vì mọi người chỉ quan tâm đến độ ngon của tô bánh canh như chúng em thôi…” - em Nguyễn Thị Phương Uyên (TP. Long Xuyên) chia sẻ.