Cái hay của món canh này là nắng nóng ăn rất thích hợp, còn giá buốt thì lại ấm lòng, nên được các nhà hàng, quán ăn “vinh danh” thành đặc sản và có nhiều cách nấu để thực khách lựa chọn. Từ ốc, ếch, cá đồng cho tới heo, bò, gà, các loại thủy sản đều thích hợp nấu món canh này. Tuy là dân dã quê mùa, nhưng muốn làm cho tô canh ngon thì cũng phải biết nấu đúng cách, đúng điệu. Chẳng hạn như cá linh thì phải nấu với bông so đũa, điên điển. Lươn thì nấu với bắp chuối. Thịt trâu thì nấu với cơm mẻ. Cá và các loại hải sản thì nấu với me, khóm, cà chua. Nghêu, sò, ốc, hến, trai… thì nấu với me. Còn người quê tôi thì lá giang mới là sự lựa chọn số một cho món canh chua của mình, bởi lá giang luôn thích hợp với cả heo, bò, gà… các loại cá đồng và hầu hết các loại thủy hải sản. Lá giang là cây thân leo, mọc hoang, có vị chua nhẹ và thơm. Muốn chua nhiều thì vò dập lá rồi nấu.
Canh chua nấu từ me, lá giang, khóm, khế hay cơm mẻ…, kết hợp với các loại thịt, cá và các loại rau mà vườn nhà có như bắp chuối, so đũa, kèo nèo, điên điển, đọt choại, đọt xoài; ở chợ thì có giá sống, khóm, cà chua, bạc hà, ngò gai, quế... Ở quê thường không có nước lèo là nước ngọt từ xương heo, xương gà hầm để giúp món canh được ngon và đậm đà hơn nên người quê thường nấu thịt hay hải sản mà mình có để lấy nước ngọt rồi mới cho rau, củ, quả vào.
Xa quê nhớ lắm những món ăn hương đồng cỏ nội, nhưng nhớ nhất là canh chua lá giang thấm đượm tình làng nghĩa xóm. Đó có thể là con ốc, mớ rau khi đi làm đồng về san sẻ, sớt chia. Không ngon cũng thành ngon, không ngọt cũng thành ngọt. Để rồi những trưa hè oi ả nơi phố thị đông người lại nhớ về tô canh chua đạm bạc mà ngọt khắp cả lòng.
Cảm ơn quê đã để cho đời những món ăn ngon, đậm đà phong vị cỏ nội hương đồng khiến ta hoài yêu, hoài nhớ…