Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều giống xoài, nhiều không kể xiết. Các giống xoài Thái, xoài Đài Loan, xoài Campuchia có quanh năm và tràn ngập thị trường.
Hồi xưa, xoài trổ bông cho trái chín đúng mùa và chỉ có một số ít loại giống bản địa, như: xoài cát, xoài hòn, xoài thanh ca, xoài tượng, xoài cóc… Có lẽ dần dần chúng ta cũng sẽ mất đi một số giống xoài quý, như xoài thanh ca chẳng hạn.
Hồi đó, nhà trồng mấy gốc xoài hòn và chỉ có 1 cây xoài thanh ca trước đường, riêng cây xoài thanh ca mỗi mùa cho mấy ngàn trái. Giống xoài này còn sống thì chua khủng, nhưng khi chín thì nó ngọt phải gọi là số 1.
Xoài này có một khuyết điểm là thỉnh thoảng bị đốm trắng, dân gian gọi là bệnh mặt trăng, ngoài ra thì cây trái ngày xưa không có sâu bệnh, không phải xịt phân thuốc gì cả.
Khi mùa nước rút đi, xoài bắt đầu đâm đọt non chuẩn bị ra bông kết trái, cho đến bước vào mùa mưa giông cũng là lúc xoài chín.
Đây cũng là một thú vui của tụi con nít nông thôn, chiều chiều hễ trời bắt đầu nổi giông gió chuyển mưa là chúng đâm đầu chạy ra đường, đứng dưới những gốc xoài đầy trái “canh me”, nhất là ngó chừng những trái chín cây. Những trận giông lớn trái rụng lộp bộp, tụi nó giành giật nhau, có khi cãi lộn om sòm.
Những trái xoài sống thì bằm với cá kho, nhiều quá thì xắt miếng phơi khô, để dành nấu canh chua. Có những buổi trưa cả nhà xúm xít quanh dĩa xoài sống chấm nước mắm đường hoặc chấm với mắm ruốc, vừa ăn vừa xuýt xoa, nhăn mặt nhăn mày vẫn cố mà ăn.
Thỉnh thoảng thay đổi cầu kỳ một chút, các bà, các mẹ chế ra món xoài trộn giấm đường rất ngon. Xoài xắt những lát thiệt mỏng, làm nước giấm đường trộn vừa ngập miếng xoài để chừng 5- 10 phút cho thấm là được rồi. Thật ra hồi đó nông thôn cũng chẳng có gì để ăn vặt, nên những món nhà quê rẻ tiền vẫn trở nên vô cùng hấp dẫn, cả nhà xúm lại thiệt đông vui.