Gà nướng theo cách của người dân tộc bản địa vùng cao Tây Nguyên.
Độc đáo ở tên gọi là món "gà chỉ" Phan Rang. Bởi đơn giản, khách muốn ăn con gà nào cứ tới chuồng nhốt gà chỉ con đó. Chủ quán bắt ra và chế biến thành các món khách yêu cầu. Ở Dốc Ga Đà Lạt, có món gà không kém phần độc đáo từ chế biến lẫn tên gọi là món "gà mẹt" hay "gà lên mâm". Một con gà thả vườn được chế biến thành các món nướng, luộc, trộn gỏi, riêng phần đồ lòng được xào hành mướp. Xong các món được bày trên cái mẹt tre lót lá chuối. Bốn món để vòng tròn, xôi nếp dẻo đặt chính giữa kích thích vị giác cho khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Trong các món chế biến từ thịt gà, món gà nướng phổ biến, bất cứ vùng nào cũng có. Nhưng ở vùng cao Tây Nguyên, món gà nướng được chế biến rất lạ. Thay vì để trên vỉ hoặc kẹp tre rồi đặt lên bếp than nướng, gà nướng vùng Tây Nguyên được làm theo cách riêng: Một bếp nướng lộ thiên rộng chừng 1 mét, dài gần 3 mét chứa đầy than hồng. Gà làm sạch và tách rời phần đồ lòng rồi kẹp tre rừng cắm vòng quanh bếp lửa. Cứ mỗi vài phút người ta lại xoay bề còn lại của gà hướng vào bếp lửa. Số lượng nướng lên đến 50 con/bếp, người nướng gà trở một vòng đến con cuối cùng là đến lúc phải trở lại từ đầu. Cứ thế, gà được xoay liên tục cho đến khi chín. Thời gian nướng ít nhất nửa tiếng hoặc hơn. Gà đưa lên mâm, da vàng ươm tươm mỡ vàng đầy hấp dẫn. Chủ quán không cắt sẵn mà để khách "tự xử"- thích phần nào thì dùng tay xé lấy phần nấy, ăn với cơm lam- gạo nếp để trong ống tre đốt trên lửa. Trong khi cơm lam chấm muối vừng thì gà nướng chấm với muối é- muối trộn với một loại lá có vị rất thơm và chua, cho hương vị rất riêng, khác xa với gà nướng ở các vùng khác.
Dù được chế biến thế nào thì dùng thịt gà vẫn có một nét chung là phải dùng tay xé thì mới ngon và khi ăn mới thưởng thức hết mùi vị.