Thay vì phải chế biến món canh, món mặn, món xào như thường nhật, nhưng do chỉ ăn một mình nên Út chọn làm món salad mì ăn thay cơm, vừa nhanh vừa nhẹ bụng.
Muốn luộc mì ngon thì phải kiên nhẫn đợi nước thật sôi rồi mới thả vắt mì vào và lượng nước phải ngập mì. Nếu nước chưa sôi mà đã vội vàng thả mì vào thì sợi mì sẽ nhũn, là “vô phương cứu chữa”. Khi thả mì vào nồi nước sôi, dùng đũa đảo tơi sợi mì ra, tùy theo sợi mì to hay nhỏ mà canh thời gian cho sợi mì vừa chín tới, nhanh tay trút mì ra rổ, xả dưới vòi nước lạnh cho ra hết chất nhớt của mì. Dùng tay vẩy rổ mì cho ráo nước, xốc mạnh rổ cho sợi mì bung tơi ra. Nếu có lò vi sóng, cho mì vào quay 1 phút thì sợi mì sẽ khô ráo hẳn và dai ngon hơn.
Tùy ý thích mà chọn loại rau củ quả ăn kèm, với các loại như: đậu que, bắp, bông cải, củ cải đỏ, củ cải trắng… luộc (hoặc hấp để giữ được độ ngọt của rau củ); bắp cải bào mịn, dưa leo bào sợi, cải xà lách, cải xoong… Luộc rau xong, thấy nguyên liệu toàn rau củ, sợ nhanh đói, ngại phải lọ mọ quay vào bếp nữa, nên Út luộc thêm 2 quả trứng gà.
Phần nguyên liệu chính cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn pha nước mắm chua ngọt ăn kèm. Thế nhưng khi thấy trên bếp còn một ít đậu phộng rang sẵn - tàn dư của món chè trôi nước cúng Rằm, nên Út đổi ý, pha nước sốt bằng nước tương (với tỷ lệ 3 phần nước tương, 1 phần dấm và 1,5 phần đường). Dùng muỗng quậy đều, khi đường tan thì cho một ít ớt băm và rắc đậu phộng giã mịn vào nước sốt.
Khi ăn, cho mì vào một góc dĩa, kế tiếp lần lượt là các nguyên liệu đã chế biến sẵn như đậu que, bắp luộc, bắp cải, xà lách, trứng luộc. Rắc ít đậu phộng giã dập lên mặt mì, rưới nước sốt lên và thưởng thức.