Theo tiếng Khmer, kà tum có nghĩa là “trái lựu”. Có lẽ cũng chính từ hình dáng bên ngoài nhìn trông giống như trái lựu này mà bánh được đặt tên là bánh kà tum. Do đây là loại bánh rất khó làm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong cách gói nên hiện rất ít người biết cách làm, cũng như gói được một chiếc bánh đẹp.
Bà Néang Phương (ở xã Ô Lâm, Tri Tôn, An Giang) là một trong số rất ít người còn giữ được tay nghề gói bánh kà tum đều và đẹp cho đến hôm nay. Được người mẹ truyền nghề gói bánh kà tum từ thời còn con gái, tính đến giờ đã “ngót nghét” gần 40 năm bà Néang Phương gắn bó với chiếc bánh kà tum của dân tộc mình.
Để làm bánh kà tum phải chuẩn bị các nguyên liệu như: lá thốt nốt, nếp, đậu trắng, dừa, đường, muối... Nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng để gói được chiếc bánh kà tum đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo từ tay nghề của người thợ, nhất là phần tạo hình vỏ bánh từ lá thốt nốt. Lá thốt nốt dùng gói bánh phải là loại lá non vừa chặt xong, đem xuống lau sạch, đan thành hình vuông, với 8 cạnh đều đặn. Riêng về phần chóp bánh tạo hình giống như cánh hoa đang bung nở.
“Chọn lá thốt nốt non bởi nó mềm, đan vỏ bánh dễ hơn, màu cũng đẹp khi bánh được nấu chín. Còn đối với những lá già thì vừa cứng, màu đậm, gói bánh không đẹp”, bà Néang Phương chia sẻ.
Phần nguyên liệu làm bánh cũng được sơ chế như nhiều loại bánh khác, như nếp sau khi mua về ngâm qua 1 đêm, gút sạch, để ráo. Tiếp đến là cho đậu trắng, dừa nạo, thêm chút muối và đường trộn đều cho thấm gia vị, nêm nếm sao cho vừa ăn là được.
Muốn làm bánh vừa ngon, vừa đẹp, người thợ phải định hình khuôn bánh bằng lá thốt nốt từ trước. Khi thắt được chừng một chục vỏ bánh, người thợ phải khéo léo bỏ phần nhân bánh vào bên trong. Để hoàn thành một chiếc bánh kà tum thì khâu nào cũng khó, từ đan phần thân bánh, thắt phần cánh hoa xòe nở phía trên hay bước cho gạo vào cũng tốn nhiều thời gian.
“Tôi làm nhiều năm như vậy chớ để làm xong 1 chiếc bánh phải tốn chừng 5 phút, 1 ngày nhiều lắm làm được 100 cái”, bà Néang Phương cho hay.
Bánh sau khi gói xong được nấu trong nước sôi từ 30-45 phút. Bánh chín sẽ được vớt ra, rửa sơ qua bằng nước lạnh rồi để ráo. Bánh kà tum có màu vàng nhạt, hình dáng lạ mắt, rất đẹp. Khi muốn ăn, phải cắt bỏ phần lá bên ngoài sẽ thưởng thức được nhân bên trong với phần nếp dẻo, dậy mùi của dừa, đậu trắng và đặc biệt là mùi vị đặc trưng của lá thốt nốt sau thời gian được nấu trên ngọn lửa đỏ. Chiếc bánh ngon phải có sự hòa quyện mùi thơm của nếp, vị bùi, đậu trắng, nếu có thêm nhân chuối thì càng đậm đà hơn… Sẽ còn gì bằng khi được thưởng thức một món bánh ngon, thêm vào đó là cảm nhận tay nghề khéo léo của người thợ gói bánh.
Thời gian qua, bà Néang Phương có dạy nghề cho một số chị em phụ nữ ở địa phương, với mong muốn lưu giữ được loại bánh đặc sản của dân tộc, cũng như tạo ra sản phẩm đặc trưng cho địa phương. Bên cạnh đó, xã Ô Lâm đang có kế hoạch để bảo tồn chiếc bánh dân gian này, bằng cách giới thiệu với du khách gần xa loại đặc sản độc đáo này tại điểm dừng chân, lễ hội bánh dân gian... được tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Trong “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ” được tổ chức ở TP. Cần Thơ vào năm 2016, bà Néang Phương cùng với chiếc bánh kà tum của An Giang đã đoạt huy chương vàng. Gần đây, loại bánh độc đáo này đang được đề xuất kỷ lục Việt Nam với danh hiệu “Món bánh gói bằng lá thốt nốt cầu kỳ nhất Việt Nam”. |