Món ngon dễ làm, tăng cường sức đề kháng mùa dịch

Thứ sáu, 03 Tháng 4 2020 07:38 (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng, giúp tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch.
Món ngon dễ làm, tăng cường sức đề kháng mùa dịch
Những nguyên liệu dễ mua, dễ chế biến trong bữa ăn mùa dịch.
 
Trước việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về việc thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc, nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chắc hẳn nhiều gia đình đã mua đủ thực phẩm cho cả tuần đến 10 ngày để hạn chế nhất việc ra khỏi nhà. Vậy để tận dụng sao cho hiệu quả các loại thực phẩm đã mua, bạn nên dành thời gian cho việc vào bếp, chuẩn bị những món ăn dinh dưỡng cho cả nhà, thay vì gọi giao hàng tại các cửa hàng bán online, có thể không bảo đảm an toàn trong thời điểm nhạy cảm này.
 
Một bữa ăn cân đối đủ dinh dưỡng cần có đủ bốn nhóm thực phẩm là bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
 
Bữa sáng bổ dưỡng
 
Buổi sáng là thời gian làm việc và học tập với cường độ cao nhất trong ngày của nhiều người nên không thể thiếu nguồn năng lượng, dưỡng chất từ thực phẩm. Các chuyên gia cho rằng, bữa sáng cung cấp một lượng các chất dinh dưỡng, canxi và protein cần thiết để bạn vượt qua một ngày làm việc. Nếu nhịn ăn sáng hoặc chỉ ăn qua loa, tình trạng đói có thể dẫn đến kém linh hoạt, không nhanh nhạy và chính xác. Vì vậy, một bữa ăn sáng đủ chất sẽ giúp đánh thức cơ thể, bộ não tỉnh táo, tăng năng suất làm việc cả ngày.
 
Nếu lần đi siêu thị gần đây của bạn có các nguyên liệu như: Bánh mì, phomai/bơ, tương cà chua, xúc xích hay trứng và một chiếc nồi chiên không dầu hoặc lò nướng, bạn sẽ có ngay món bánh mì nướng đủ chất dinh dưỡng cho bữa sáng. Con bạn đã đủ lớn để giúp mẹ, bạn hãy để bé tập làm quen với những việc nhẹ nhàng nhất, thí dụ: Phết bơ/tương cà chua, xếp xúc xích lên bánh… Thêm một cốc sữa tươi hay nước cam nguyên chất không đường, bỏ chút đá viên để lạnh vừa phải là bạn đã có bữa sáng đủ chất.
 
Trong việc tích trữ thực phẩm tại gia đình chắc hẳn không thể thiếu đồ khô như phở, mì hay miến ăn liền... Rất hữu ích với các mẹ không có nhiều thời gian vào buổi sáng. Để tăng thêm phong phú cho món phở/mì/miến ăn liền, trước đó, bạn nên cấp đông sẵn từng khay nhỏ thịt bò, thịt lợn băm, thịt gà... được chìa phù hợp theo khẩu phần ăn mỗi ngày của gia đình, đem rã đông, điểm thêm một chút hành hoa tạo vị thơm ngon cho món ăn.
 
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tiểu đường, hay bệnh về tim mạch, các mẹ có thể nghĩ đến món cháo gà cà rốt với cách làm đơn giản. Ức gà bỏ da cũng là thực phẩm chứa protein lành tính, tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Trong khi đó, cà rốt với các enzyme và vitamin A giúp giảm lượng đường trong máu. Nếu bị tiểu đường kèm mỡ máu cao, bạn nên thử.
 
Bữa trưa năng lượng
 
Bữa trưa luôn cung cấp nhiều năng lượng nhất cho cơ thể so các bữa ăn khác trong ngày. Dù bạn đã ăn sáng no cũng không nên bỏ qua bữa trưa nhẹ, để tiếp tục công việc tốt nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn bữa trưa đúng cách không hề đơn giản để vừa no bụng mà lại tốt cho sức khỏe.
 
Bữa trưa dinh dưỡng nên bắt đầu từ món cá, đặc biệt là cá hồi, giàu axit béo Omega-3, tăng sức đề kháng. Có nhiều cách để chế biến cá hồi mà không bị mất đi chất dinh dưỡng bên trong, như: Áp chảo, nướng, nấu cháo hay tẩm bột giòn cho các bé.
 
Ngoài ra, các loại hải sản còn là nguồn cung cấp kẽm rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể. Dễ mua nhất vẫn là mực, tôm, ngao. Thực đơn cho hải sản cũng khá đa dạng. Cách chế biến đơn giản nhất vẫn là hấp, nướng; thêm phong phú có thể xào với hỗn hợp rau cần tây, ớt chuông, hành tây... Tuy nhiên, để cân bằng bữa ăn trong tuần, bạn chỉ nên ăn hải sản hai lần/tuần.
 
Ngoài nhóm hải sản, các loại thịt bò, lợn, gà, vịt, chim... vô cùng giàu dinh dưỡng chứa bên trong. Bên cạnh đó, cách chế biến nhóm thực phẩm này lại đa dạng, có thể thay đổi thực đơn mỗi bữa cũng như hằng ngày. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân nên ăn chín, uống sôi. Hạn chế các loại thịt động vật hoang dã, nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình.
 
Bữa tối khỏe mạnh
 
Vừa ngon miệng lại đủ dinh dưỡng lại không khiến cơ thể cảm thấy nặng nề, chính là mâm cơm hoàn hảo cho bữa tối trong ngày.
 
Nếu có thời gian rảnh tại nhà, bạn có thể biến tấu một chút với món rau củ luộc bình thường để làm thành món rau cuộn chấm muối vừng hoặc kho quẹt miền nam. Gia vị chấm ngon sẽ làm cả món ăn thêm phần hấp dẫn. Còn việc cuốn vào bên trong thứ gì thì tùy vào khẩu vị và sở thích của mỗi người trong gia đình.
 
Vẫn là thực đơn với cá, nếu không thể thường xuyên, bạn hãy cố gắng duy trì hai lần/tuần cho nhóm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này. Ngoài cá hồi, cá ngừ, bạn có thể tìm mua cá quả, cá chép, cá trắm ở phần lớn các khu chợ dân sinh và siêu thị. Với các loại cá trên, chắc chắn sẽ có vô vàn thực đơn ngon hảo hạng cho bữa cơm của bạn: Cháo cá chép; cá trắm rán giòn, cá quả kho tiêu.
 
Với món gà, vịt, ngan... bạn có thể sử dụng trang công cụ Google, nó sẽ hiện lên không ít cách chế biến, như: Gà hầm thuốc bắc, gà rang gừng, vịt om sấu, canh vịt khoai sọ, ngan luộc/nướng...
 
Mọi thực phẩm đều có những lợi ích và cả tác dụng bất lợi, đặc biệt khi sử dụng quá nhiều. Do đó nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý giàu dinh dưỡng, giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh. Hãy cùng lưu lại thực đơn để nấu cho gia đình, giúp tăng hệ miễn dịch cho cơ thể để chống lại dịch Covid-19.
 
KHANG KHANG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Ẩm Thực