Hủ Tiếu Sa Đéc
(Ảnh:@kimanh_kate)
Là đặc sản nức tiếng ở Đồng Tháp. Hủ tiếu ở đây đã có từ lâu đời, sợi hủ tiếu được làm mềm, trắng, không bở, không có vị chua. Có hai loại: hủ tiêu khô và hủ tiếu nước. Mỗi kiểu đều có một mùi vị riêng. Hủ tiếu khô thì ăn kèm nước sốt có thêm rất nhiều thịt viên, chả, gan...Hủ tiếu nước ăn lại có vị đậm đà, thanh ngọt của nước xương hầm.
Bạn có thể tìm đến quán Bà Sẩm để thưởng thức.
Bánh tằm bì
(Ảnh:@co2kristy)
Bánh khá nổi tiếng ở miền Tây rất được người Sài thành yêu thích. Tuy nhiên, bánh tằm bì nghe thì có thể khó ăn với các bạn ở miền Bắc. Do bánh có vị mặn lại được trộn nước cốt dừa mang vị ngọt. Nhưng bạn hãy một lần thử để xem hai vị trái cực này khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra hương vị gì nhé. Chắc chắn là rất đặc biệt. Bánh còn ăn với bì lợn, trộn với thính gạo thơm lừng, với thịt ba chỉ đậm đà, kèm theo tí rau thơm, dưa chuột và ít giá đỗ rất tốt cho sức khỏe
Đừng sợ khác biệt khẩu vị mà bỏ lỡ món ăn đặc biệt này nhé.
Bánh xèo miền Tây
(Ảnh:@quynhu.joyn)
Bánh xèo không còn xa lạ với những ai yêu thích ẩm thực. Tuy nhiên mỗi nơi khác nhau lại tạo ra mùi vị bánh khác nhau. Khác với hai miền còn lại. Bánh xèo miền Tây được rán trên chảo to, một người có khi chỉ ăn 2-3 cái là đã no. Bạn sẽ còn bất ngờ bởi người dân ở đây rất chuộng rau, bánh ăn kèm với không phải rau sống mà là rất nhiều rau sống. Bánh có nhiều nhân như tôm, thịt, nấm, tép, bông điên điển..chấm cùng nước mắm chua ngọt, vị giòn rụm của bánh sẽ khiến bạn ngây ngất.
Cơm Tấm Long Xuyên
(Ảnh:wanmintv)
Đây là món ăn rất phổ biến, bạn có thể tìm món ăn này ngay tại các vỉa hè, hay trong các nhà hàng sang trọng.
Điểm đặc biệt tạo nên sức hút của cơm tấm Long Xuyên chính là các nguyên liệu được thái sợi vừa ăn, cơm được nấu dẻo, mềm, kèm với nước mắm đúng chất miền Tây. Có rất nhiều thực đơn cho bạn lựa chọn: cơm tấm sườn bì chả, cơm tấm thịt nướng, cơm tấm gà, cơm tấm sườn...
Bạn có thể đến phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Quản Cơ Thạch, mỗi quán sẽ mang một hương vị khác nhau. Thật là đáng tiếc nếu bạn bỏ qua món ăn này khi đến đây.
Bún Mắm
(Ảnh:@mymy_dj)
Mặc dù có nguồn gốc từ Campuchia, nhưng đến nay bún mắm đã trở thành một đặc sản của miền nam Việt Nam do đã được kết hợp nhiều đặc sản đặc trưng riêng của miền tây nam bộ. Hương vị đặc trưng của bún mắm chính là nước dùng được tạo từ cá sặc, cá linh được nấu rã ra, sau đó lọc lấy phần nước trong, cho thêm một ít đường, hành sả và dùng chung với bún. Người dân nơi đây còn cho thêm nguyên liệu như: tôm, mực và heo quay để tăng độ phong phú cho món ăn. Bún mắm thường được dùng với rau muống chẻ, cọng bông súng, rau đắng, bắp chuối, kèo nèo, giá và rau diếp cá.
Thu Hiền - (thoidai.com.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)