Chiều mưa, ngồi ăn tô cháo cá lóc rau đắng nhưng hương vị không ngọt mát bằng tô cháo của bà ngày trước.
Nhớ những khúc quanh của cuộc đời, nhớ những kỷ niệm buồn vui một thời đã xa ở nơi yêu thương nhất. Có người còn bảo rằng: “Ngộ ghê, chẳng biết buồn chuyện gì mà buồn thúi ruột thúi gan. Sợ nhất những cơn mưa chiều như vầy”.
Chẳng biết tại lòng hay tại cơn mưa chiều mà chiều nay tôi cũng nhớ. Nhớ tô cháo cá lóc rau đắng của bà.
Hôm nào ông dỡ chà, dỡ đú có cá lóc là bà liền nấu đãi chúng tôi bữa ấm lòng với tô cháo cá lóc rau đắng.
Những cọng rau đắng gặp những cơn mưa đầu mùa đọt non cứ phượt phượt xanh mướt mắt. Chúng tôi đưa tay bẻ những đọt non giòn mê tay, một lát cái rổ tre đã đầy những đọt rau đắng với rau đắng.
Và chúng tôi rất thích ngồi chụm lửa để khi nồi cháo sôi thấy những hạt gạo đang lội trong ấy, hạt ngoi lên, hạt ngụp xuống.
Một thời vô tư chỉ biết thích là hái, là ngắt, là ngắm không cần nghĩ ngợi xa gần. Cũng chẳng hề biết rau đắng mang vị đắng nhưng thanh mát, cũng chẳng biết mắng là thương.
Tô cháo cá lóc rau đắng của bà với nhiều vị ngọt, nào là nấm rơm, rau má, rau đắng, vài lát gừng xắt sợi. Cơn gió lạc lối thổi lên da thịt lạnh làm sao. Ngồi vừa thổi vừa húp tô cháo nóng hôi hổi thì ôi ngon không tả được. Ăn tô cháo ấm lòng, nhưng sao ấm bằng tình thương của bà dành cho chúng tôi được.
Và tôi chợt nhớ đến câu chuyện cá nuôi của bác Ba Phi ở Lung Tràm, tôi còn nhớ bác Ba Phi nói “Cả vườn dừa của qua vậy đó, dừa khô cứ rụng xuống mương, rụng bao nhiêu thì cá lóc táp ăn hết trọi. Bởi vậy thịt cá lóc nấu cháo thì khỏi phải vắt nước cốt dừa mà ăn cũng béo ngậy”.
Nghệ nhân dân gian- bác Ba Phi- đã để lại tài sản tinh thần quý báu của vùng đất Cà Mau với những câu chuyện của bác. Tới đây, làm tôi tiếc nhớ một thời trù phú của miền quê Nam Bộ.
Món cháo dân dã ngày nào giờ đã trở thành món ăn ngon được thực khách yêu thích mỗi khi có dịp đến vùng sông nước miền Tây. Chiều mưa, ngồi ăn tô cháo cá lóc rau đắng nhưng hương vị không ngọt mát bằng tô cháo cá lóc rau đắng của bà.
Chắc tô cháo của bà chứa đựng cả một thời kỷ niệm ngọt ngào và thanh mát. Mà đâu phải riêng tôi đâu, “Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh dạo quanh, khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh”. Cọng rau con cá đã đi vào trong ký ức của mỗi người, đến khi có dịp nhắc nhớ họ lại thèm.
Bài, ảnh: MAI KHA - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)