Một chiều cuối tuần, khi tôi đang loay hoay tưới mấy chậu hoa kiểng trước sân nhà bỗng nghe dậy mùi cá kho khô. Mùi thơm báo ơ cá kho đã keo sệt rồi mau rưới dầu, rắc tiêu, tắt bếp.
Tôi nghĩ thế rồi tự cười mình ên bởi mùi thơm bốc lên từ nhà hàng xóm mà cứ ngỡ nhà mình. Món cá kho khô tôi rất thích ăn nên tôi hay làm, thành ra như một lập trình sẵn nghe mùi thơm đến độ ấy là nghĩ ngay đến việc rưới dầu, rắc tiêu, tắt bếp.
Thật ra, đó là câu đúc kết ngắn gọn mà ngoại đã dạy tôi từ ngày đầu làm quen với món cá kho khô. Ngoại bảo con gái thì phải biết “nữ công gia chánh” nên mỗi lần nấu ăn ngoại lại gọi tôi phụ giúp.
Tuổi thơ tôi vô cùng diễm phúc vì được sống gần cả nội lẫn ngoại. Những tháng nghỉ hè ngay lúc đồng áng, tôi thường được cha mẹ gửi ở nhà nội hoặc ngoại. Cha bảo: “Chiều mát, cha cho đi thả diều. Giờ này ngoài đồng nắng lắm! Con không được đòi theo”.
Những lúc thế, ngoại lại ôm tôi vào lòng thủ thỉ: “Con gái đen đúa là xấu lắm biết không con! Con ngoan, ở nhà với ngoại. Xế chiều, ngoại làm bánh cho con ăn!” Nhìn ánh mắt nghiêm nghị của cha và nghĩ đến món bánh của ngoại, tôi thôi không òn ĩ nữa. Ngoại thường làm hết món này đến món nọ cho tôi, cho cả gia đình ba thế hệ mà chủ yếu là từ rau trái vườn nhà. Dân dã, đồng quê là vậy nhưng tôi nhớ hoài những món ăn của ngoại.
Tôi mê nhất là món cá kho khô của ngoại. Tôi mê đôi bàn tay điệu nghệ thỉnh thoảng bưng lắc nhẹ cho ơ cá kho thấm đều gia vị. Đơn giản vậy thôi nhưng cũng là bí quyết để có được món cá kho khô ngon.
Những con cá rô, cá sặt,… sau khi được rửa sạch để ráo, ngoại dùng dao khứa những đường xiên trên thân rồi cho vào nồi đất ướp nước mắm, đường, bột ngọt, tóp mỡ. Ngoại dùng chiếc nồi khác đặt lên bếp cho đường vào đun nóng chảy thành nước màu vàng nâu sền sệt liền đổ qua nồi đất, nổi lửa. Không cần canh lửa mà cũng chẳng đảo liên hồi, ngoại cứ để nồi cá kho liu riu trên bếp, ngoại lặt rau, quét nhà, rửa chén,…
Thỉnh thoảng, ngoại ngó nhìn, lắc nhẹ, vậy mà mười lần như một cá kho của ngoại đều ngon. Có khi đang lỡ tay việc gì đâu đó, nghe mùi cá dậy lên là ngoại biết phải vào ngay: rưới mỡ, rắc tiêu, tắt bếp.
Món cá kho của ngoại không giống với bất kỳ món cá kho nào mà sau này tôi đã từng ăn. Có lẽ chính cái hương vị phù sa của đồng quê và được chế biến từ bàn tay của ngoại đã khiến nó trở nên đặc biệt. Giờ đây, sống ở thị thành, từng ngôi nhà cao tầng lần lượt mọc lên khiến người bước lên từ quê như tôi không ít lần cảm thấy ngột ngạt.
Đôi khi tôi thèm một khoảng không nào đó như chái bếp quê nhà ngoại chẳng hạn. Ở đó, con cháu là chúng tôi thường khúc khích chia nhau củ khoai lùi thơm lựng. Ở đó, có biết bao câu chuyện ngoại đã kể mà bắt đầu là cụm từ “ngày xửa, ngày xưa”. Và cũng chính nơi chái bếp đó tôi đã được thưởng thức biết bao là món ngon từ sự chăm chút của ngoại. Nhớ quê, nhớ ngoại, tôi nấu cho mình món cá kho khô (ảnh).
DIỄM KIỀU - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)