Mướp rừng xào thịt bò.
Nhận thấy một loại cây rừng phát triển khỏe mạnh không cần phân thuốc, nên mướp rừng được ưu tiên trong thực đơn hàng ngày cùng với một số loại rau tự trồng theo hướng hữu cơ. Điều quan trọng là chúng rất dễ chế biến và ăn rất ngon, lạ miệng.
Theo một số nghiên cứu khoa học, mướp rừng (hay còn gọi là quả lặc lày), chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, chất đạm, sắt, canxi,… Thường xuyên sử dụng thực phẩm này sẽ giúp xương chắc khỏe, làm sáng mắt, kích thích tiêu hóa và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Trong số các loại rau rừng thì mướp rừng đứng đầu bảng về giá trị dinh dưỡng. Trong quả chứa vô số các thành phần dưỡng chất tốt cho sức khỏe như: vitamin B1, B2, C, protein, sắt, lipit, isoleucine, gluxit, canxi, lysine và các chất khác.
Cây mướp rừng tên khoa học là Cardiopteris quinqueloba Hassk. Loại cây này còn được biết đến với một số tên gọi khác như: cây lặc lày, mai rùa, mướp mường hay cây sâu răng. Ở nước ta, cây phân bố tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Đồng Nai hay Kon Tum. Ngoài ra, cây còn phát triển ở một số lãnh thổ khác như Trung Quốc, Lào hay Ấn Độ.
Mướp rừng được xếp vào nhóm các loại cây thân thảo dạng dây leo sống nhiều năm và có phân nhánh. Thân cây mềm, vỏ thân màu lục nhạt, nhẵn nhụi, chứa nhiều dịch nhầy tương tự như sữa. Cây có lá hình trái tim nguyên vẹn hoặc đôi khi chia làm 3- 5 thùy. Trong đó, thùy chính giữa lớn hơn. Quan sát bề mặt lá thấy có 5- 7 đường gân hình chân vịt.
Hoa mướp rừng thường ra vào tháng 9 đến tháng 11. Nhiều hoa mọc thành cụm ở các nách lá hay đầu ngọn, màu trắng, thuộc dạng lượng tính. Mỗi hoa có 4- 5 thùy xếp chồng lên nhau. Nhị dạng sợi ngắn, nằm xen kẽ giữa các cánh hoa. Sau mùa hoa, đến tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau, cây bắt đầu kết trái. Tùy theo giống mướp rừng mà quả có hình dáng khác nhau. Dù là loại nào thì khi già, quả cũng chứa nhiều hạt bên trong. Chúng tôi trồng loại mướp rừng trái ngắn, ngon hơn nhiều loại trái dài ngoằn ngoèo nên còn được gọi là mướp rắn.
Khi giàn mướp rừng phát triển nhiều, chúng ta có thể hái đọt và lá non làm rau luộc hoặc xào kết hợp với một số loại thịt, tép ăn cũng ngon. Đặc biệt trái khi non chưa có hạt chúng ta gọt vỏ hoặc để nguyên vậy chế biến xào, nấu canh giống như trái mướp thường của mình hoặc luộc chấm với muối mè. Trái già có hạt bên trong thì móc bỏ ruột có thể chế biến dồn thịt giống như trái khổ qua. Dù chế biến cách nào, trái mướp rừng cũng cho vị ngọt, ngon hấp dẫn.
Một loại quả ngon phong phú thêm thực đơn rau củ hàng ngày, thêm nhiều lựa chọn, đặc biệt là tốt cho sức khỏe, dễ trồng và nhanh phát triển; thuận tiện cho mọi gia đình có thể ghim chúng ở mé ao, sau nhà để có thêm món ăn ngon hàng ngày.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)