Không phải khệ nệ vác như củ hũ dừa, củ hũ khóm chỉ nhỏ cỡ nắm tay, được tách ra từ phần lõi non của bụi khóm. Người dân vùng trồng khóm cũng chỉ được thưởng thức mỗi năm vài lần vào mùa phá khóm.
Ở nhà hàng muốn chế biến phải đặt trước, còn khách quý lắm đến nhà thì bà con vùng khóm Cầu Đúc (Hậu Giang) mới thết đãi món củ hũ bởi người ta trồng khóm lấy trái, chưa ai trồng khóm chỉ lấy củ hũ. Khóm trồng 8 tháng cho trái, cứ 4 tháng thu hoạch một lần.
Cây khóm cho trái vài năm, chừng 24- 30 tháng, khóm lão hóa không còn cho năng suất cao nữa nên nông dân sẽ phá đi để trồng đợt khóm mới.
Từ những bụi khóm bỏ đi đó, người ta mới tận dụng những bụi khóm còn nhỏ hoặc chồi non mọc gần gốc khóm tách lấy phần củ hũ.
Mọi người nói vui rằng với đôi bàn tay khéo léo và tình cảm dành cho cây khóm thì củ hũ khóm phải qua tay con gái Cầu Đúc mới ra đúng vị.
Thân khóm gọt xong thành củ hũ, rửa sạch, cho ra rổ ngâm nước muối rồi thường được luộc sơ trước khi chế biến. Không quá cầu kỳ nhưng phải biết ý, canh lửa để luộc thiếu hoặc quá lửa thì củ hũ khóm sẽ nhẫn đắng.
Người ta có thể chế ra hàng chục món ăn ngon từ củ hũ: trộn gỏi, đổ bánh xèo, xáo măng đến làm dưa chua... Món ăn làm nên “thương hiệu” cho củ hũ khóm là trộn gỏi với cá khô.
Củ hũ khóm bào mỏng, ướp lạnh cho giòn rồi ngâm với giấm, đường. Khô cá lóc hay cá sặt bổi đem nướng chín, xé nhỏ trộn với củ hũ, ớt cắt sợi, rưới thêm ít nước mắm tỏi ớt cho vừa miệng. Vị ngọt của củ hũ khóm hòa với vị mặn của cá khô và chua cay của gia vị càng ăn càng nghiền.
Một món không thể bỏ qua là đổ bánh xèo củ hũ khóm với thịt vịt. Củ hũ khóm giòn giòn, ngọt thanh, thịt ức vịt xiêm tơ băm nhuyễn mềm chắc, ngọt béo vừa đủ ăn kèm rau lá quanh vườn và chén nước mắm đậm đà chua ngọt.
Bánh xèo cuốn với lá cách, sung, xoài, cóc, bằng lăng… món ăn đầy màu sắc, ngon miệng tới từng thang bậc vị giác, nhấp thêm ly rượu khóm cay cay đầu lưỡi nữa thì nhớ đời mãi không quên.
Món củ hũ dân dã trọn tình nhà, ăn miếng ngon khiến người ta thấm thía, nhớ đến nao lòng cái hồn cốt của một địa phương. Một lần về miền Tây, thưởng thức củ hũ khóm, rồi “dễ ghiền” cái tinh túy của ẩm thực Nam Bộ.
Bài, ảnh; PHƯƠNG THƯ - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)