Theo News-Medical, nghiên cứu dẫn đầu bởi bác sĩ Baixue Jia từ Bệnh viện Thiên Đàn Bắc Kinh, thuộc Đại học Y khoa Thủ đô (Trung Quốc) đã nghiên cứu dựa trên 1.216 người trưởng thành (tuổi trung bình là 66) đã bị đột quỵ và được điều trị ban đầu theo đúng tiêu chuẩn ở 59 trung tâm y tế trên khắp Trung Quốc bằng phương pháp tiêm tĩnh mạch làm tan cục máu đông hoặc thủ thuật loại bỏ cục máu đông.
Hạt của cây cần tây quen thuộc trong nhà bếp có thể giúp các nhà khoa học điều chế ra thuốc hỗ trợ điều trị đột quỵ (Ảnh minh họa từ Internet)
"Thần dược" được nghiên cứu là butylphthalide, thuốc được tổng hợp từ chiết xuất hạt cần tây, một loại thực vật từ lâu đã được cho là mang những giá trị lớn trong bệnh tim mạch, giúp kiểm soát huyết áp và giảm một số loại nguy cơ.
Cùng với phương pháp điều trị ban đầu do bác sĩ lựa chọn, những người tham gia được lựa chọn ngẫu nhiên để nhận butylphthalide hoặc giả dược theo đường tiêm tĩnh mạch trong vòng 14 ngày đầu tiên, sau đó là 76 ngày uống dạng viên nang.
Kết quả sau 90 ngày đầu tiên sau khi bị đột quỵ, những 607 bệnh nhân dùng butylphthalide có sự cải thiện rõ rệt so với những người còn lại. Các triệu chứng thần kinh mà họ phải chịu sau cơn đột quỵ cũng nhẹ hơn.
Cách thức hoạt động của butylphthalide vẫn chưa rõ ràng, nhưng các bước nghiên cứu trên động vật trước đó cũng hé lộ nhiều cơ chế khả dĩ mà các nhà khoa học dự định kiểm tra thêm trên con người.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng thuốc được sử dụng trong nghiên cứu này là một dược phẩm đã qua quá trình điều chế. Việc nó được tìm thấy trong một sản phẩm tự nhiên phổ biến là tin tốt bởi sẽ có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất. Nhưng điều này không có nghĩa bạn sẽ đạt được tác dụng tương tự nếu chỉ ăn thô món cần tây hay hạt cần tây.