Bác sĩ Hoàng Thị Phương đã trở lại công việc bình thường sau 2 năm mất thính lực
Bác sĩ Hoàng Thị Phương, sinh năm 1988, công tác tại Khoa Tai mũi họng thuộc Bệnh viện (BV) Trung ương quân đội 108, cho biết cách đây 2 năm, lúc đó chị 28 tuổi, không may mắc bệnh quai bị do lây từ bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh. Dù được điều trị ngay sau đó nhưng chỉ sau 5 ngày mắc bệnh, chị bị biến chứng dẫn đến mất thính lực hoàn toàn cả 2 tai.
Các đồng nghiệp của bác sĩ Phương đã tích cực điều trị cho chị nhưng thính lực nhưng vẫn không hồi phục được. Bác sĩ Phương chia sẻ: "Hai ngày sau khi mắc bệnh, tôi phát hiện thính lực giảm đột ngột 1 bên tai, tai còn lại gặp tình trạng tương tự ngay ngày hôm sau. Đến ngày thứ 5, cả 2 tai không còn nhận được bất kỳ tín hiệu âm thanh nào. Là người làm đúng chuyên ngành nhưng chính tôi cũng không thể lường bệnh diễn biến quá nhanh như vậy. Không thể ngờ mình lại mắc căn bệnh hằng ngày vẫn tư vấn, điều trị cho bệnh nhân khác. Lúc đó tôi rất sốc, chỉ trong vòng 2 ngày bỗng từ người bình thường trở thành tàn phế".
Bác sĩ Phương kể lại quãng thời gian bị "điếc đặc" do biến chứng quai bị
Được sự động viên của gia đình, đồng nghiệp, chị đã vực tinh thần trở lại, bắt đầu làm quen với cuộc sống mới không có âm thanh. Để giao tiếp với gia đình, bác sĩ Phương phải viết ra giấy và nhắn tin. Trong suốt 6 tháng, chị không còn hình dung được giọng nói của mình, mất phản xạ giao tiếp nên giọng nói méo mó. Cảm giác bị mất mát, tổn thương, có lúc stress, nhiều lúc nữ bác sĩ trẻ thu mình bằng việc chỉ đọc sách. Thế nhưng nhìn con gái lớn chưa đầy 1 tuổi lớn khôn từng ngày, bi bô tập nói, bác sĩ Phương càng khao khát được nghe tiếng con trẻ nên khi được đồng nghiệp động viên và nói đến phương pháp cấy ốc tai điện tử, bác sĩ Phương đã tiếp nhận phẫu thuật với hy vọng có thể nghe được.
Thời điểm đó, BV Trung ương quân đội 108 chưa từng áp dụng kỹ thuật này cho bệnh nhân bị điếc nào, bác sĩ Phương là trường hợp đầu tiên. Tháng 10-2016, bác sĩ Phương cấy ốc tai điện tử bên tai phải, sau đó 1 năm, cấy nốt bên còn lại.
Nhớ lại thời điểm sau phẫu thuật, bác sĩ Phương kể phẫu thuật xong vẫn chưa thể nghe ngay mà chị phải học nghe như một đứa trẻ học từ âm thanh đầu tiên đến khi nghe rõ, định hình được âm thanh. "Về đến nhà, nghe thấy tiếng con, thấy không hạnh phúc gì so sánh nổi, chỉ biết ôm con và khóc. Khi ấy thấy cuộc đời mình như mở ra một trang mới”- bác sĩ Phương chia sẻ.
Từ một bác sĩ trở thành bệnh nhân, bác sĩ Phương cho biết đã thấu hiểu hơn nỗi khổ mà người bệnh mất thính lực phải chịu đựng và cảm nhận được bệnh nhân của mình như thế nào để gần bệnh nhân hơn nữa. Đến thời điểm này, bác sĩ Phương đã trở lại khám bệnh bình thường tại Khoa Tai mũi họng, BV Trung ương quân đội 108.
Bác sĩ Ngọc (bên trái) cho biết trường hợp điếc đột ngột cả 2 tai rất hiếm gặp
Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phó chủ nhiệm Khoa Tai mũi họng, BV Trung ương quân đội 108, cho biết trường hợp bệnh nhân mắc quai bị gặp biến chứng mất thính lực hoàn toàn như bác sĩ Phương rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/10.000 ca. Nguyên nhân do điếc tai xảy ra ở giai đoạn đầu do virus quai bị gây tổn thương ốc tai. "Bình thường vẫn có bệnh nhân bị điếc đột ngột nhưng thông thường người bệnh điếc chỉ một bên, họ vẫn nghe được bên còn lại, hoặc họ cảm nhận được mất dần chức năng thính giác nhưng trường hợp của bác sĩ Phương là đột ngột quá và chỉ cấy điện cực ốc tai mới nghe lại được. Chính vì thế, chúng tôi đã đề nghị và quyết định cấy ốc tai điện cực cho bác sĩ Phương"- bác sĩ Ngọc nói.
Theo bác sĩ Ngọc, kỹ thuật này không phải mới, nhưng Việt Nam thì chưa nhiều và không đưa thành kỹ thuật thường quy do chi phí đắt đỏ lên tới 500-650 triệu đồng.
Tại Việt Nam, một số BV lớn đã thực hiện phẫu thuật cấy ốc tai điện tử điều trị cho bệnh nhân bị mất thính lực. Với công nghệ này, những trường hợp bệnh nhân bị mất thính giác đột ngột, mất thính giác bẩm sinh sẽ có cơ hội tìm lại âm thanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.