Độ an toàn cao
Cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000. Tuy nhiên, bệnh bại liệt vẫn chưa được thanh toán trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước cần xây dựng kế hoạch duy trì thành quả đã đạt được, đồng thời sẵn sàng chống việc xâm nhập vi-rút bại liệt hoang dại. Theo đó, chuyển đổi sử dụng vắc-xin bại liệt uống 2 tuýp bOPV (tuýp 1 và 3) và tiêm 1 mũi vắc-xin bại liệt để củng cố miễn dịch phòng chống bệnh bại liệt.
Cán bộ Trạm Y tế phường An Khánh, quận Ninh Kiều, tư vấn tiêm chủng cho trẻ.
Thực hiện chiến lược của WHO và triển khai kế hoạch “Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”, từ tháng 6-2016, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi sử dụng vắc-xin bại liệt uống bOPV cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn quốc. Ngoài ra, sẽ triển khai tiêm một mũi vắc-xin bại liệt IPV cho trẻ 5 tháng tuổi từ tháng 9-2018. Trước khi triển khai toàn quốc, Bộ Y tế triển khai tiêm quy mô nhỏ tại 4 tỉnh: Điện Biên, Vĩnh Long, Phú Yên, Gia Lai vào tháng 6 và 7-2018.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, IPV là vắc-xin nhập khẩu, đạt chứng nhận tiền thẩm định của WHO và đã được sử dụng trên 540 triệu liều tại hơn 110 quốc gia. Đây là vắc-xin bất hoạt do hãng Sanofi Pasteur của Pháp sản xuất. Vắc-xin có dạng dung dịch được đóng 10 liều/lọ (5ml/1lọ). Hộp có 10 lọ. Trong Hướng dẫn sử dụng vắc-xin IPV có nội dung “Nếu được bảo quản ở +2ºC đến +8ºC, lọ chứa nhiều liều vắc-xin có thể sử dụng tối đa đến 28 ngày sau khi được mở lần đầu tiên và không vượt quá tuổi thọ của vắc-xin”, tuy nhiên Việt Nam chưa áp dụng nội dung này.
Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tại 4 tỉnh đã tiêm cho 4.364 trẻ, chiếm tỷ lệ gần 65,5%. Sau khi tiêm chủng, không có tai biến nặng, phản ứng thông thường chỉ có 1,6% (chủ yếu là đau tại chỗ tiêm).
Cần Thơ đã sẵn sàng tiêm IPV
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, thành phố thực hiện tiêm bổ sung vắc-xin bại liệt IPV, góp phần loại bỏ nguy cơ mắc bại liệt tuýp 2 và bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt tại Cần Thơ. Mục tiêu ≥ 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm được tiêm vắc-xin IPV và đảm bảo an toàn tuyệt đối trong tiêm chủng. Thành phố triển khai tiêm ở 100% các trạm y tế, với trên 4.500 trẻ cần tiêm.
Đối tượng tiêm là trẻ sinh từ ngày 1-3-2018 đến ngày 30-6-2018. Nếu trẻ đã tiêm 1 mũi vắc-xin phối hợp có thành phần bại liệt (vắc-xin Infanrix Hexa) sẽ không thuộc đối tượng tiêm IPV. Thời gian tiêm: đợt I từ ngày 1 đến ngày 5-10-2018, đợt II từ ngày 1 đến ngày 5-12-2018 (lồng ghép trong đợt tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế).
Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ cũng lưu ý, nếu trẻ không được tiêm chủng đúng lịch thì cần được tiêm sau đó càng sớm càng tốt. Vắc-xin IPV có thể tiêm cùng các vắc-xin khác trong 1 buổi tiêm hoặc cùng với uống vắc-xin bại liệt. Vắc-xin IPV chống chỉ định trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin IPV hoặc vắc-xin có chứa thành phần IPV trước đó; trẻ dị ứng với hoạt chất, một trong các tá dược trong vắc-xin, với neomycine, streptomicine, polymycin B, hay trước đây đã từng bị phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc-xin này; trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan…).
Các trường hợp hoãn tiêm: trẻ đang sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính; trẻ sốt ≥ 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 độ C (đo nhiệt độ tại nách); trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B; trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày; cân nặng dưới 2.000 gram.
Gia đình theo dõi trẻ tiêm: các dấu hiệu (tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm như sưng, đỏ…); cho trẻ bú, ăn đủ bữa, không bú, ăn khi nằm, thường xuyên kiểm tra trẻ (đặc biệt ban đêm); không tự ý dùng thuốc. Nếu phát hiện bất thường phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý.