Tránh lây nhiễm vi khuẩn “ăn thịt” người

Thứ năm, 19 Tháng 9 2019 07:33 (GMT+7)
Liên tiếp gần đây tại một số địa phương ghi nhận nhiều người mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính whitmore. Dù đây không phải là căn bệnh mới nhưng triệu chứng để phát hiện whitmore không đơn giản, điều trị cũng khá phức tạp.

Biểu hiện bên ngoài của bệnh Whitmore của một bệnh nhân nhi đang điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An

Biểu hiện bên ngoài của bệnh Whitmore của một bệnh nhân nhi đang điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An

Nguy hiểm hơn, whitmore thường gây tình trạng sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp xe tại nhiều nơi trong cơ thể, nguy cơ tử vong cao nên được gọi là vi khuẩn “ăn thịt” người. 

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, cách đây khoảng 5 năm mới có 20 ca mắc whitmore, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận tới 20 người mắc căn bệnh nguy hiểm này với 4 trường hợp tử vong. Riêng tháng 8-2019 ghi nhận 12 ca whitmore nặng được chuyển đến từ một số địa phương, với bệnh cảnh đa dạng, phức tạp. Bệnh nhân được nhập viện từ nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, xương khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa. Hơn nữa, do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh whitmore đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác, như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết… 

Tuy nhiên, PGS-TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, ngay cả khi chẩn đoán khẳng định mắc whitmore, việc điều trị cũng rất khó khăn vì phải dùng kháng sinh liều cao tấn công liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và có thể tử vong, dù đã được chẩn đoán đúng. 

Theo nhiều chuyên gia dịch tễ, whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Đáng chú ý, bệnh whitmore không phải là một căn bệnh lạ, hay mới được phát hiện, mà từ những năm 50 của thế kỷ trước, căn bệnh này đã xuất hiện lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây, căn bệnh này được ghi nhận trở lại và có nguy cơ lây lan rộng. Bản chất của vi khuẩn whitmore không gây ra dịch mà gây ra các ca bệnh đơn lẻ nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. 

Vi khuẩn “ăn thịt” người whitmore khi xâm nhập vào cơ thể có thể ủ bệnh kéo dài, trung bình từ 2 - 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát, bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện. Để phát hiện một người có nhiễm khuẩn whitmore hay không, bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn. 

Hiện nay, bệnh whitmore chưa có vaccine phòng bệnh và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Trong khi đó, vi khuẩn whitmore có sẵn trong đất, bùn và cả không khí, nên những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động nhằm tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương. Đồng thời, người dân cũng cần che chắn bảo vệ đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt, để hạn chế cơ thể tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.

MINH KHANG - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế