Việt Nam sẽ dự báo được dịch sốt xuất huyết trước sáu tháng

Thứ tư, 20 Tháng 11 2019 07:19 (GMT+7)
Bệnh sốt xuất huyết ghi nhận quanh năm, trong đó, năm 2019 số ca mắc cao hơn so với năm 2018. Từ tháng 6-2021, với việc đưa vào hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh (D-MOSS), Việt Nam có thể dự báo được dịch sốt xuất huyết trước sáu tháng.

Việt Nam sẽ dự báo được dịch sốt xuất huyết trước sáu tháng

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ thông tin.

Sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ năm 2018

Chia sẻ thông tin trong Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân diễn ra chiều 18-11, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong năm 2019, các dịch bệnh mới nổi, bệnh nguy hiểm không xâm nhập. Việt Nam vẫn giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Các bệnh có vắc xin tiếp tục được khống chế hiệu quả.

Hiện nay, một số bệnh giảm sâu, nhưng vẫn xuất hiện các trường hợp mắc rải rác, các ổ dịch tản phát: sốt rét, sởi, tay chân miệng. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Các bệnh như sởi, bạch hầu, dại có vắc xin dự phòng nhưng tỷ lệ tiêm thấp, chưa đạt yêu cầu, có nguy cơ gây ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào dân tộc ít người… Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.Các bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, trong khi đó việc giải quyết mầm bệnh trên động vật nuôi còn nhiều bất cập.

Liên quan đến biến đổi khí hậu và nhiều ổ bọ gậy không được dọn dẹp, năm 2019, bệnh sốt xuất huyết được xem có sự tăng vọt so với năm 2018. Tính đến ngày 30-6-2019 cả nước ghi nhận 87.806 trường hợp mắc sốt xuất huyết, sáu ca tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc tăng 3,1 lần (năm 2018, số ca mắc cùng kỳ là 28.039, tử vong là tám trường hợp).

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hằng năm, tỷ lệ học sinh, sinh viên mắc sốt xuất huyết chiếm 35-40%, chủ yếu học sinh, sinh viên ngoại tỉnh. Do đó, từ tháng 9, Trung tâm đã phối hợp với Đảng ủy khối các trường đại học, cảnh báo học sinh, sinh viên là đối tượng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao nên các trường cần triển khai biện pháp phòng chống, góp phần khống chế tình hình dịch bệnh.

Sốt xuất huyết đã có mặt trên 150 nước, nghĩa là khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có nguy cơ mắc sốt xuất huyết hàng ngày. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết gây gánh nặng lớn về y tế công cộng như tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao. Ngoài ra, sốt xuất huyết cũng gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000, số ca mắc sốt xuất huyết ở Việt Nam đã tăng hơn 100%. Năm 2017, Việt Nam hứng chịu một đợt dịch sốt xuất huyết lớn, ảnh hưởng tới 170.000 người và 38 ca tử vong.

PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện bệnh sởi có xu hướng giảm hơn so với các tháng đầu năm. Hiện nay, các ca nằm viện chủ yếu là sởi biến chứng chưa tiêm chủng. Về bệnh ho gà, theo BS Điển, bệnh này có xu hướng gặp ở bệnh nhi chưa tiêm chủng, bệnh ở trẻ dưới ba tháng tuổi khá nhiều. Hiện đang có 7-8 ho gà đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và hầu hết những ca ho gà có biến chứng. “Chúng tôi khuyên các bà mẹ khi có bầu cần đi tiêm phòng chống ho gà để sớm tạo miễn dịch cho con. Các bà mẹ cũng nên thực hiện tiêm chủng vaccine 6 trong 1 và 5 trong 1 theo đúng lịch", BS Điển nói.

Việt Nam có thể dự báo dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng

Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học ở Vương quốc Anh, Việt Nam đã được lựa chọn vào Dự án mô hình thử nghiệm hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh. D-MOSS có thể dự báo các đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát trước tới 6 tháng. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được lựa chọn thử nghiệm mô hình này.

Tại hội thảo khu vực Đông Nam Á chia sẻ về Hệ thống dự báo sốt xuất huyết D-MOSS, ông Đặng Quang Tấn cho biết, việc triển khai mô hình thử nghiệm hệ thống cảnh báo dịch sốt xuất huyết tích hợp dữ liệu quan trắc từ vệ tinh (D-MOSS) là một trong những công cụ rất hữu ích. Mô hình này cần nhiều chỉ số khác nhau như khí hậu, thời tiết, lượng mưa, độ ẩm, vấn đề di dân... Do đó, mô hình này nếu hoàn thiện sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác lập kế hoạch phòng, chống sốt xuất huyết cũng như triển khai các biện pháp kỹ thuật cho phòng chống SXH theo đúng khu vực dự báo có sốt xuất huyết tăng.

Tuy nhiên, ông Tấn cho biết, thời điểm này Việt Nam vẫn còn gặp hạn chế do chỉ có một số hạn chế có sẵn. Vì thế, cần phải bổ sung thêm các chỉ số để mô hình có tính chính xác cao hơn.

Theo bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, hệ thống sẽ cảnh báo sớm cho ngành y tế rằng sắp tới có dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại thời điểm nhất định trong năm, ở địa bàn nhất định trong năm. Như vậy nó sẽ giúp cho ngành y tế có thể lên kế hoạch phòng chống rất sớm để trong tương lai nhằm giảm thiểu tác động của dịch sốt xuất huyết.

Sau khi được xây dựng ở Việt Nam, bà Sitara Syed kỳ vọng sẽ cùng Bộ Y tế sẻ chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin với các nước khác trong khu vực để có thêm công cụ cùng nhau xây dựng kế hoạch, nỗ lực trong tương lai.

Ông Tấn cho biết, Việt Nam sẽ triển khai hệ thống D-MOSS tại bốn địa phương là Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hoà, Đắk Lắk. Dự kiến đến tháng 6, 7-2021 chính thức đưa hệ thống vào vận hành.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ giờ tới cuối năm, để phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Thực hiện tốt cách ly và phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế; báo cáo kịp thời. Đồng thời, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cửa khẩu; khoanh vùng xử lý ổ dịch.

“Cần phải thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tiêm đủ mũi, đúng lịch với các bệnh, đặc biệt đối với bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não. Chúng tôi sẽ rà soát đối tượng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95%”, ông Tấn nói.

 
THIÊN LAM - (nhandan.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế