Sáng tạo phòng chống dịch tại cơ sở y tế

Thứ ba, 14 Tháng 4 2020 10:52 (GMT+7)
Dù được xem là “tuyến đầu” trong nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 nhưng các bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, khi mỗi ngày có hàng ngàn lượt người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế… đến và đi. Để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát và lây lan, một số cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đã sáng tạo những dụng cụ, thiết bị, phương án phòng dịch hiệu quả.
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn
 
Lập ki-ốt khai báo y tế

Ngày 10-4, đến khám bệnh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, ông Võ Thịnh Hòa (64 tuổi, ngụ quận 5) khá bất ngờ khi được lực lượng bảo vệ hướng dẫn sát khuẩn tay, sau đó thực hiện khai báo y tế điện tử. Chỉ mất vài phút, ông Hòa đã hoàn thành xong phần khai báo tình trạng sức khỏe, lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc những ngày qua. “Nhanh, gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện”, ông Hòa nhận xét sau khi khai báo y tế. Đây là một trong những biện pháp mới được lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương triển khai thực hiện hơn 1 tuần nay.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Chiến, giám đốc bệnh viện, kể từ khi có yêu cầu khẩn cấp truy tìm hơn 40.000 người đến và đi tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do có người nhiễm Covid-19, ban giám đốc đã nghĩ ra phương án và nhanh chóng triển khai phần mềm khai báo y tế, sàng lọc bệnh nhân nghi mắc Covid-19 tại bệnh viện. “Với số lượng gần 10.000 lượt người bệnh, thân nhân, nhân viên y tế ra vào mỗi ngày, nếu chỉ cần 1 trường hợp nhiễm bệnh thì nguy cơ bệnh viện trở thành ổ dịch rất lớn. Trong khi việc khai báo y tế bằng giấy thông thường sẽ khó lưu trữ, gây quá tải cho nhân viên y tế, lại khó kiểm soát và truy tìm trong những tình huống khẩn cấp” - bác sĩ Chiến trăn trở. Từ đó, một ki-ốt điện tử ứng dụng phần mềm khai báo y tế và sàng lọc bệnh nhân nghi mắc Covid-19 ra đời. Tất cả người dân khi đến cổng bệnh viện phải đăng ký vào ứng dụng để khai báo các thông tin y tế: tên tuổi, địa chỉ, yếu tố dịch tễ liên quan, các triệu chứng gợi ý, lịch sử tiếp xúc, mối quan hệ với người đang thuộc diện bị nghi mắc Covid-19… đều được ghi lại và sẽ có những cảnh báo ngay. Đặc biệt, với những người bệnh có thẻ BHYT, chỉ cần quét mã BHYT thay thế cho khai báo thông tin cá nhân.

Để đảm bảo ki-ốt khai báo y tế không trở thành một nguồn lây do quá nhiều người chạm vào, một nhân viên bảo vệ túc trực thường xuyên yêu cầu mọi người phải sát trùng tay trước và sau khai báo y tế, song song đó nhân viên vệ sinh thực hiện khử khuẩn bề mặt ki-ốt định kỳ theo quy định. PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá, mô hình này giúp hỗ trợ công tác sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm, dễ truy tìm các mối liên hệ với người nhiễm hoặc nghi nhiễm, từ đó khoanh vùng, cách ly diện rộng để giảm lây nhiễm từ các ổ dịch nếu có phát sinh.

Tự sản xuất khẩu trang phòng dịch

Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang không chỉ cho người dân mà cho cả nhân viên y tế trong các bệnh viện, các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất TPHCM đã tự chế tạo máy sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Người đưa ra ý tưởng tự sản xuất khẩu trang là bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước, Trưởng khoa Tai Mũi Họng. Anh tự mày mò tìm hiểu cách cắt may, đọc tài liệu, lựa chọn mẫu sao cho ít tốn công, tốn thời gian, không phải cắt may nhiều lần mà có được sản phẩm khẩu trang chất lượng nhất. Sau khi lên ý tưởng, bác sĩ Phước đã kết hợp cùng các bác sĩ tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tiến hành sản xuất khẩu trang.

Để sản xuất ra một chiếc khẩu trang 2 lớp kháng khuẩn phải trải qua 3 giai đoạn: rập khuôn tạo hình, ép nhiệt để dính các lớp khẩu trang, sau đó cho khẩu trang vào túi tiệt trùng rồi đưa vào máy khử trùng, hấp sấy; cuối cùng là đưa vào sử dụng cho nhân viên y tế tại bệnh viện. “Khó khăn đầu tiên là phải tìm được nguồn nguyên liệu vừa đảm bảo chất lượng, vừa đáp ứng đủ nhu cầu. Vải để may khẩu trang là vải không dệt, đạt chất lượng kháng khuẩn”, bác sĩ Phước chia sẻ. Sau khi tìm hiểu nhiều nguồn nguyên liệu cả trong và ngoài nước, các bác sĩ đã chọn được nguồn vải kháng khuẩn không dệt từ tỉnh Long An, vừa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng lại không lo “đứt hàng” giữa chừng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. 

Nhận xét về khẩu trang tự sản xuất, bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước cho biết, ưu điểm của loại khẩu trang này là chỉ cần 1 lần rập khuôn và ép nhiệt, không cần luồn dây đeo, không cần may, vừa tiết kiệm thời gian, vừa không tốn quá nhiều nhân công để sản xuất. Sau khi sản phẩm hoàn thành, bộ phận Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Thống Nhất đã kiểm nghiệm và kết luận, khẩu trang bằng vải không dệt này có tác dụng kháng khuẩn nhưng cũng chỉ phù hợp với các bác sĩ, điều dưỡng sử dụng không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19. Hiện trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Thống Nhất có thể sản xuất 2.500-3.000 khẩu trang vải kháng khuẩn, cung ứng cho nhu cầu sử dụng trong bệnh viện. 
 
THÀNH AN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế