Số ca mắc bạch hầu liên tục tăng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh bạch hầu, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Công điện cũng yêu cầu xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM khẩn trương tổ chức các đoàn công tác đến hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh Tây Nguyên, tập huấn lại công tác chẩn đoán, điều trị bạch hầu cho các cơ sở y tế. Cục cũng yêu cầu các bệnh viện thống nhất quy trình tiếp nhận, sàng lọc, điều trị và chuyển tuyến, sẵn sàng thuốc và buồng cách ly bệnh nhân bạch hầu với cơ sở y tế khu vực Tây Nguyên. Thiết lập đường dây nóng và hình thức hỗ trợ trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế khu vực này.
Đến ngày 8-7, cả nước đã ghi nhận 63 bệnh nhân bạch hầu tại toàn bộ 4 tỉnh Tây Nguyên, số ca mắc gấp 3 lần trung bình hằng năm của cả nước và đã có 3 ca tử vong. Do có những địa phương đã rất lâu không ghi nhận bệnh nhân bạch hầu (như Đắk Nông từ năm 1994 không có bệnh nhân) nên dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh tương tự, nguy cơ bệnh nhân có biến chứng nặng và tử vong.
Theo GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, tình hình bệnh bạch hầu thời điểm này có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây. Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao. Bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Bệnh này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỉ lệ tử vong 5%-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Hiện bệnh này có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.
Sáng nay (9-7), GS Nguyễn Thanh Long sẽ có chuyến công tác đầu tiên trên cương vị mới, đến vùng bệnh bạch hầu ở tỉnh Gia Lai.
Khám sàng lọc và điều trị dự phòng bạch hầu cho người dân buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: ĐÌNH THI
Đắk Lắk khoanh vùng dập bệnh
Ngày 8-7, ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngay sau khi phát hiện ca bệnh dương tính với bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khoanh vùng dập bệnh để không lây nhiễm ra cộng đồng.
Buôn Diêo có 169 hộ với 708 nhân khẩu, hầu hết là người dân tộc thiểu số. Theo ghi nhận của phóng viên ngày 8-7, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk và chính quyền địa phương tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn tại nhà có ca bệnh và các hộ lân cận, xử lý môi trường toàn bộ khu vực buôn Diêo. Khoanh vùng cách ly, lập 3 chốt chặn kiểm soát, hạn chế người dân đi vào vùng có bệnh. Tổ chức điều tra lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh và những trường hợp có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tổ chức cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân trong buôn và tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi.
Ông Tô Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, cho biết huyện sẽ tăng cường lực lượng làm tốt công tác khoanh vùng cách ly và bảo đảm nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân trong thời gian cách ly để ổn định đời sống nhân dân.
Đắk Nông: 28 ca mắc bệnh
Tại Đắk Nông, cùng ngày, đoàn công tác do bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, dẫn đầu đã đến ổ bệnh bạch hầu tại Bon Bu Ndoh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) để chỉ đạo công tác phòng chống bệnh bạch hầu.
Bon Bu Ndoh là địa phương mới nhất xuất hiện bệnh bạch hầu với 3 ca bệnh và là ổ bệnh thứ 8 của Đắk Nông. Tại đây, lực lượng chức năng đã lập nhiều chốt chặn để kiểm soát, phun hóa chất khử khuẩn cho người và các phương tiện ra vào. Các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm cũng được lực lượng chức năng vận chuyển đến phát cho bà con đang cách ly trong ổ dịch.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết trung ương đã hứa sẽ cung ứng toàn bộ vắc-xin, vật tư y tế cho các tỉnh Tây Nguyên phòng chống bệnh bạch hầu. Tỉnh cũng đã có kế hoạch để mua vắc-xin, hóa chất dự phòng khi dịch bùng phát.
Ông Hà Văn Hùng, Phó GIám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, thông tin hiện toàn tỉnh đã ghi nhận 28 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu (tăng 2 ca so với công bố ngày 7-7). Trong đó, có 2 ca tử vong, 10 ca đã xuất viện và 16 ca có mức độ nhiễm bệnh từ nhẹ đến trung bình đang được điều trị tại bệnh viện.
Các tỉnh, thành chủ động phòng chống
Ngày 8-7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế, UBND các huyện, 2 TP (Đà Lạt, Bảo Lộc) yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu, dù tỉnh này chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, chú trọng những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch, vùng tiếp xúc với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk; tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong. Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh, bảo đảm cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế...
Tại tỉnh Quảng Ngãi, trong mấy ngày qua, các y - bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ - địa phương giáp ranh với tỉnh Kon Tum - đã đến xã Ba Tiêu, tổ chức khám sàng lọc, tiêm vắc-xin cho gần 300 trẻ. Từ nay đến cuối năm, huyện Ba Tơ sẽ tổ chức tiêm vắc-xin cho tất cả người dân trên địa bàn các xã vùng cao. Các huyện Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây cũng có kế hoạch tiêm vắc-xin phòng ngừa bạch hầu cho hơn 50.000 người dân (từ 5-40 tuổi). Hằng năm, Quảng Ngãi vẫn còn ghi nhận nhiều trường hợp mắc và tử vong do bệnh bạch hầu, trong năm 2019 huyện Sơn Hà đã ghi nhận 8 trường hợp mắc bệnh bạch hầu.
Tại TP HCM, theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, tính đến hết tháng 6, tỉ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vắc-xin cơ bản phòng bệnh bạch hầu cho trẻ sinh năm 2019 đã bị chậm khoảng 15% so với tiến độ cần đạt. Nguyên nhân do đại dịch Covid-19 nên có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình chưa đưa trẻ em đi tiêm chủng đúng lịch dẫn đến tiến độ bao phủ vắc- xin cho trẻ em bị chậm lại. Vì vậy, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vắc-xin bắt buộc.
Tại TP Cần Thơ, BS Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, cho biết trong năm 2019, tỉ lệ tiêm chủng bệnh bạch hầu và các bệnh khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 97,9%. Trên 10 năm qua, Cần Thơ không có ca bệnh bạch hầu.
Hơn 100 quốc gia tiêm vắc-xin bạch hầu cho trẻ lớn, người lớn
Theo Bộ Y tế, trên thế giới đã có 103 nước tiêm vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ lớn, người lớn, trong đó tại khu vực Tây Thái Bình Dương đã có 13 nước triển khai tiêm vắc-xin này. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh bạch hầu hiệu quả, các quốc gia cần tiêm vắc-xin có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12-23 tháng tiêm mũi thứ 4, lúc 4-7 tuổi tiêm mũi thứ 5 và khi 9-15 tuổi tiêm mũi thứ 6. Các nước nên triển khai vắc-xin phối hợp uốn ván - bạch hầu giảm liều thay vì dùng vắc-xin bạch hầu đơn giá sẽ giúp phòng hiệu quả đồng thời 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với lịch tiêm vắc-xin uốn ván, WHO khuyến cáo các quốc gia thực hiện lịch tiêm 3 mũi vắc-xin uốn ván bổ sung cho trẻ từ 12-23 tháng, 4-7 tuổi và 9-15 tuổi sau khi trẻ đã được tiêm 3 mũi cơ bản trước 1 tuổi.
Ng.Dung
Nhóm phóng viên - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)