Sau đốt tĩnh mạch bằng sóng cao tần, bệnh nhân có thể đi đứng, vận động nhẹ nhàng và xuất viện trong ngày. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân trước khi xuất viện.
Hơn 3 năm nay, cô Nguyễn Thị Ngọc Nữ (65 tuổi, ở quận Ninh Kiều) khó chịu với việc đi đứng, do cảm giác nặng chân, vọp bẻ, tê mỏi chân như có kiến bò bên trong. Nhiều lần cô bị té, nhất là khi lái xe, do hai chân yếu, không giữ được thăng bằng. Cô đã đi thăm khám nhiều nơi, bác sĩ chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch nông và sâu, cho cô uống thuốc điều trị thường xuyên nhưng bệnh không thuyên giảm. Mới đây, hay tin BVÐK TP Cần Thơ có chương trình thăm khám và điều trị miễn phí cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch bằng đốt sóng cao tần, cô đến tham gia. Vài giờ sau thủ thuật, cô Nữ vui mừng cho biết, đã giảm được phân nửa cảm giác khó chịu do tê mỏi chân.
Ðây là bệnh nhân đầu tiên trong số 11 bệnh nhân được điều trị bằng sóng cao tần tại Khoa Ngoại Lồng ngực - mạch máu BVÐK TP Cần Thơ. Các bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân, ghi nhận kết quả rất tốt, không có hiện tượng sưng và bầm tím tại chi được thực hiện thủ thuật. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đốt sóng cao tần điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới là phương pháp đang được áp dụng ngày càng rộng rãi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân được can thiệp bằng ống thông qua da nên không để lại sẹo, bệnh nhân có thể đứng dậy được ngay sau khi làm can thiệp và có thể xuất viện ngay trong ngày.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương - Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu cho biết, suy giãn tĩnh mạch chi dưới có tỷ lệ mắc rất cao, từ 9% - 30% dân số, trong đó phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3 - 4 lần nam giới. Nguyên nhân ảnh hưởng từ nội tiết tố, thai nghén lên thành tĩnh mạch hoặc do phải đứng lâu một chỗ trong một số ngành nghề (như bán hàng) hoặc dùng loại giày không thích hợp với chân.
Khi tĩnh mạch nông bị suy (do suy van hoặc giãn tĩnh mạch), máu sẽ trào ngược xuống chân, gây ứ trệ tuần hoàn, dẫn đến đau, mỏi, nặng chân, chuột rút vào ban đêm hoặc phù nhẹ khi đứng, ngồi lâu. Các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da (suy giảm sắc tố và chàm hóa, loét da), các tĩnh mạch giãn dần và nổi ngoằn ngoèo trên bề mặt da, gây mất thẩm mỹ.
Các triệu chứng giai đoạn đầu của suy giãn tĩnh mạch chân không rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan. Ðến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng, những đợt viêm tắc tĩnh mạch xuất hiện khiến chân sưng phù, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng. Nếu không được can thiệp đúng, tĩnh mạch giãn to dần, hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Cục máu này gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu, có thể gây tắc động mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Gần một năm trở lại đây, dì Nguyễn Kim Thoa (69 tuổi, ở quận Ninh Kiều) thường xuyên bị chuột rút và sưng phù bên chân trái. Gần đây, dì Thoa thấy vùng da bàn chân sạm dần, tĩnh mạch bắp chân nổi ngoằn ngoèo, việc đi lại khó khăn. Mới đây, dì đến BVÐK TP Cần Thơ khám bệnh, được các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực - mạch máu chỉ định can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần.
Theo Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, do tính chất ít xâm lấn, đốt sóng cao tần là phương pháp nhẹ nhàng nhất trong các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch nông hiện nay. Kết quả nghiên cứu của các bác sĩ BVÐK TP Cần Thơ cho thấy phương pháp này mang lại hiệu quả khoảng 98% và tỷ lệ tái phát rất thấp. Bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh hơn so với điều trị bằng phẫu thuật kinh điển, sớm đi lại và sinh hoạt từ 8 - 12 giờ ngay sau thủ thuật.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương khuyến cáo, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có yếu tố gia đình và liên quan đến nghề nghiệp, chế độ ăn uống, làm việc. Ðể phòng ngừa, bệnh nhân cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin C; tránh táo bón, béo phì; tránh đứng lâu, ngồi nhiều. Cần làm tăng sức bền của thành mạch máu với việc tập thể dục đều đặn hàng ngày. Khi ngủ, người bệnh nên kê cao chân khoảng 10 - 15cm so với mặt giường, giúp giảm ứ máu tĩnh mạch.
Mặc dù phương pháp đốt sóng cao tần mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch, tuy nhiên, kỹ thuật này tại BVÐK TP Cần Thơ chưa được thanh toán bảo hiểm y tế. Vì thế, mỗi bệnh nhân thực hiện thủ thuật phải chi trả chi phí cho đây đốt 7,5 triệu đồng. “Sắp tới, chúng tôi hoàn tất quy trình và sẽ duyệt thầu bảo hiểm, khi ấy bệnh nhân bảo hiểm y tế sẽ không phải đóng tiền”, Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương cho biết.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)