Sát thủ thầm lặng

Thứ tư, 23 Tháng 9 2020 07:40 (GMT+7)
Tổ chức Y tế thế giới vừa báo động tình trạng bệnh không lây nhiễm - sát thủ thầm lặng tạo ra gánh nặng về chi phí, thời gian điều trị, tỉ lệ tàn phế và tử vong cao
Ông H. (55 tuổi) là chủ tiệm tạp hóa, ông không hút thuốc, không uống rượu, rất ít khi bị bệnh. Gia đình ông cũng không có ai bị đái tháo đường (ĐTĐ), tăng huyết áp. Mới đây, cùng vợ đi khám tổng quát, ông tá hỏa vì bác sĩ kết luận bị bệnh ĐTĐ.
 
"Đại dịch" mới
 
PGS-TS-BS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Liên chi hội ĐTĐ - Nội tiết TP HCM, cho biết hiện nay, có rất nhiều người mắc ĐTĐ, đây là một rối loạn chuyển hóa mạn tính làm glucose huyết trong máu tăng cao. Glucose tăng cao trong máu lâu ngày sẽ làm tổn thương nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Một trong những tổn thương quan trọng nhất xảy ra ở hệ thống mạch máu.
 
Tuy nhiên, theo BS Khuê, hiện nay một vấn đề mới đáng báo động là tỉ lệ mắc tiền ĐTĐ ở Việt Nam ngày càng gia tăng, thậm chí còn cao gấp 1,5 lần so với ĐTĐ. Năm 2019, cả nước có 3,8 triệu người ĐTĐ, trong khi tiền ĐTĐ là 5,3 triệu người và con số này dự kiến sẽ tăng lên 7,9 triệu người đến năm 2045. Tiền ĐTĐ sẽ tiến triển thành ĐTĐ type 2 nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và cuối cùng là các biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực, mù lòa, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận, đoạn chi...
Sát thủ thầm lặng - Ảnh 1.
Một bệnh nhân ĐTĐ điều trị tại Bệnh viện quận Tân Phú (TP HCM)
 
Theo PGS-TS-BS Hồ Huỳnh Quang Trí, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch TP HCM, đối với người cao tuổi, nhồi máu cơ tim là bệnh rất hay gặp. Nhưng gần đây, số người dưới 40 tuổi bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện tăng lên đáng ngại, đặc biệt có những thanh niên chưa tới 30 tuổi.
 
BS chuyên khoa II Đinh Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú, cho hay số bệnh nhân liên quan bệnh không lây nhiễm đến khám ngày càng gia tăng. Cụ thể năm 2019, bệnh nhân bệnh tim mạch đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện chiếm đến 17,5%, bệnh hô hấp mạn tính chiếm 16,7%, bệnh ĐTĐ chiếm 10,5%.
 
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, cũng cảnh báo mỗi năm, Việt Nam có khoảng 25.000 ca tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) gây ra, nhiều hơn số lượng người tử vong do tai nạn giao thông. Đây là bệnh có nguy cơ tử vong cao sau bệnh suy mạch vành và đột quỵ
 
Theo các chuyên gia, những bệnh không lây nhiễm vừa kể trên được xem là "đại dịch" mới của thời đại. Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Tuy nhiên, "đại dịch" này có thể dự phòng được.
 
Sống lành mạnh
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu người chết vì các bệnh không lây nhiễm nằm trong độ tuổi từ 30 đến 69; trong đó trên 85% những trường hợp tử vong ở nhóm tuổi trẻ này thường xảy ra ở các quốc gia thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình.
 
Giới chuyên gia cảnh báo xu hướng toàn cầu hóa và đô thị hóa, sự thay đổi môi trường là những tác nhân làm gia tăng lối sống không lành mạnh, như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực… những yếu tố nguy cơ này đã làm bùng phát các bệnh không lây nhiễm - những cái chết âm thầm không báo trước. Chính từ chế độ ăn uống không hợp lý, những áp lực cuộc sống và thói quen không tốt cho sức khỏe đã và đang làm thay đổi độ tuổi mắc bệnh tim mạch.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm là một trong những thách thức chủ yếu trong thế kỷ XXI. "Chìa khóa" phòng chống các bệnh không lây nhiễm là phải điều chỉnh lối sống theo hướng sống lành mạnh như giảm bớt việc tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá - tốt nhất là bỏ hẳn việc hút thuốc lá, thay đổi chế độ ăn theo tiêu chí lành mạnh hơn, tập thể dục, vận động thường xuyên hơn.
 
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thy Khuê, tiền ĐTĐ có thể hồi phục thông qua thực hiện các chương trình điều chỉnh lối sống dựa trên việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và mức độ hoạt động thể chất hợp lý. Hiện nay, rất dễ dàng để chẩn đoán tiền ĐTĐ với những phương pháp có chi phí thấp. Các xét nghiệm chính để chẩn đoán tiền ĐTĐ và ĐTĐ là các thông số về glucose máu (nồng độ glucose máu lúc đói, 2 giờ sau ăn hay sau xét nghiệm OGTT).
 
Còn theo BS Lê Thị Tuyết Lan, để phòng chống hiệu quả bệnh COPD, người bệnh cần được phát hiện sớm để chữa trị kịp thời. Muốn vậy, cần phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các tổ chức, cơ sở y tế về bệnh COPD.
 
Mỗi năm tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 77%, trong đó bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, bệnh COPD chiếm 6%, bệnh ĐTĐ chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.
 
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Bệnh viện - Thiết bị Y tế