Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Quang Bình kiểm tra mắt cho bệnh nhân.
Điều trị cận thị, hiện có hai mặt tiếp cận. Thứ nhất là điều chỉnh lại chỉ số dioper (gọi nôm na là độ) để người cận thị thấy rõ trở lại và thứ hai là làm chậm quá trình tiến triển của cận thị (tăng độ), hạn chế các biến chứng về sau. Những phương pháp thông thường như laser hay đeo kính chính là điều chỉnh độ.
Song song đó, với sự phát triển của ngành nhãn khoa hiện nay, có 3 phương pháp làm chậm tiến triển cận thị. Ðó là dùng kính tiếp xúc mềm đa tiêu cự, kính chỉnh hình giác mạc Ortho-K và thuốc nhỏ mắt Atropin 0,01%. Phương pháp điều chỉnh tật cận thị không phẫu thuật Ortho-K đang dần phổ biến, đây là một dạng kính tiếp xúc cứng, có độ thấm khí tốt cho phép cung cấp đủ oxy cho mắt khoẻ mạnh.
Kính Ortho-K thiết kế để có đủ độ cứng làm chỉnh hình lại hình dạng giác mạc khi đeo kính vào ban đêm. Khi tháo kính Ortho-K vào ban ngày, giác mạc vẫn được định hình trong một khoảng thời gian và người bị cận thị vẫn có thể nhìn rõ mà không cần mang thêm kính đeo ngoài. Việc sử dụng kính cho trẻ cần phải có sự giám sát của cha mẹ với sự hướng dẫn từ các chuyên gia nhãn khoa để trách viêm nhiễm tại mắt do trẻ ít có ý thức giữ vệ sinh tay và kính. Nếu sử dụng đúng cách thì việc mang kính Ortho-K mang lại sự thuận tiện cho người dùng vào ban ngày vì không phải mang kính đeo ngoài, vừa làm giảm sự tiến triển của cận thị.
Còn thuốc nhỏ mắt, cho đến thời điểm này, chỉ duy nhất có Atropin 0,01% là thuốc có khả năng làm chậm tiến triển cận thị qua nghiên cứu ATOM2 của Viện nghiên cứu mắt Singapore. Tại Việt Nam, Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt Cần Thơ là người đầu tiên nghiên cứu và áp dụng Atropin 0,01% để làm hạn chế độ cận và cho kết quả tốt, làm chậm tiến triển cận thị trên 50% so với khi không điều trị. Thị trường Việt Nam trong các năm gần đây cũng đã có các sản phẩm nhập ngoại và sản xuất trong nước làm việc điều trị cận thị ngày càng thuận tiện.
Chi phí sử dụng sản phẩm Atropin 0,01% thấp nhưng có hiệu quả cao trong việc làm chậm tiến triển cận thị. Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Quang Bình nêu ví dụ, một học sinh 10 tuổi cận 2 độ, mỗi năm tăng thêm 0,5 độ thì đến năm 16 tuổi, em học sinh này có thể bị cận ít nhất ở mức 5 độ. Còn khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropin 0,01%, sự tiến triển độ cận giảm còn một nửa, tức chỉ tăng 0,25 độ mỗi năm. Như vậy, khi trưởng thành, độ cận của em học sinh dưới 3,5 độ, tình trạng đáy mắt tốt, việc can thiệp điều trị thuận lợi, hiệu quả hơn. Trong một số nghiên cứu, việc kết hợp cả hai phương pháp, vừa thực hiện Ortho-K ban đêm, vừa nhỏ mắt thuốc Atropin 0,01%, cho hiệu quả cải thiện thị lực cao hơn. Ðây là những phương pháp điều trị cận thị mới ở nước ta, được phổ biến rộng rãi sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Thời gian qua, trên các mạng xã hội rộ thông tin về thuốc nhỏ mắt Nanodrop được quảng cáo có tác dụng chữa tật cận thị như “thần dược”. Tiến sĩ Hoàng Quang Bình cho biết, nhóm bác sĩ của Israel năm 2018 thực hiện nghiên cứu này, nhưng chỉ mới thử nghiệm trên động vật. Ðến nay, trong giới chuyên gia nhãn khoa, chưa có một công bố chính thức nào về kết quả công trình nghiên cứu này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy 30% - 40% học sinh nước ta ở một số tỉnh, thành bị cận thị. Trước thực trạng bệnh cận thị gia tăng ở lứa tuổi học đường, Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Quang Bình khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe mắt của trẻ. Những trẻ cận từ 6 độ trở lên là ở mức độ cận thị nặng, có nhiều tổn thương ở võng mạc. Ðể kiểm soát sự tiến triển của cận thị, trong nhóm các yếu tố như đảm bảo ánh sáng đầy đủ, giữ khoảng cách tầm nhìn thích hợp trong môi trường học tập, sinh hoạt, điều quan trọng nhất chính là cho trẻ thường xuyên hoạt động ngoài trời. Lượng ánh sáng bên ngoài kích thích giải phóng dopamin từ võng mạc làm ngăn cận thị phát triển.
Tham gia chương trình tầm soát các bệnh về mắt trong môi trường học đường tại thành phố Cần Thơ nhiều năm liền, Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Quang Bình ghi nhận phổ biến tình trạng học sinh mang kính không đúng độ hoặc bị cận nhưng không mang kính. Nhiều nguyên nhân như căng thẳng mùa thi khiến các em lo lắng, mắt cũng mệt, co quắp điều tiết. Nếu các em đo độ mắt trong những thời điểm này bằng các phương tiện thông thường thì thường không chính xác, dẫn đến việc đeo kính không phù hợp. Khi kiểm tra thị lực, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên khoa mắt có uy tín để được kết hợp nhiều phương pháp thăm khám, giúp chẩn đoán chính xác thị lực, từ đó điều trị hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)