Chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đối với cả mẹ bầu và thai nhi. Ảnh: Q. ANH
Mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ tiếp nhận khám và điều trị cho trên 500 lượt khách hàng. Bác sĩ Lê Khánh An, Khoa Dinh dưỡng tiết chế của BV Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết trong số đó, có 25% sản phụ có bệnh lý liên quan đến vấn đề dinh dưỡng như suy dinh dưỡng, thừa cân, thiếu máu, thiếu vi chất. Từ thực tế đó, đầu năm 2020, BV thành lập phòng khám dinh dưỡng, nhằm tăng cường tiếp cận tư vấn để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý cho chị em. Mỗi bệnh nhân được đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tư vấn và cung cấp một chế độ ăn riêng.
Chị Ngọc Hiên (27 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) mang thai 16 tuần, đến khám thai tại BV Phụ sản TP Cần Thơ. Chị cho biết, 3 tháng đầu thai kỳ bị ốm nghén nặng, ăn uống khó khăn nên rất lo lắng cho sức khỏe của bản thân và đứa con trong bụng. Còn chị Minh Hà (34 tuổi, ở quận Bình Thủy) đang nuôi con nhỏ hơn một tháng tuổi nhưng không đủ sữa, đến BV khám để được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn giúp tiết nhiều sữa.
Bác sĩ Khánh An cho biết, nhiều thai phụ gặp vấn đề về thể chất và tâm lý liên quan đến dinh dưỡng. Sau khi thăm khám và đánh giá tổng trạng bệnh nhân, các bác sĩ tư vấn, giúp chị em hiểu đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng trong từng giai đoạn, kết hợp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Thai phụ có bệnh lý, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng theo bệnh, kiến thức về thực phẩm nên và không nên sử dụng trong thai kỳ, các nguyên tắc dinh dưỡng và tăng cân phù hợp để cải thiện sức khỏe.
Vấn đề dinh dưỡng gây nhiều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở cả hai giới nam và nữ. Bác sĩ Khánh An khuyến cáo, trước khi mang thai, chị em nên bổ sung dinh dưỡng trong nhiều tuần trước để đảm bảo máu của người mẹ có đầy đủ dưỡng chất đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bào thai. Giai đoạn đầu thai kỳ, thai phụ thường bị nghén, ăn uống kém, ảnh hưởng quá trình trao đổi chất. Vì thế, nguồn dự trữ trước khi mang thai rất quan trọng.
Theo các bác sĩ, mẹ bầu suy dinh dưỡng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai. Ngược lại, mẹ bầu tăng cân quá mức cũng dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai kỳ. Thai phụ mắc bệnh tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường là những thai kỳ nguy cơ cần được theo dõi sát, chăm sóc toàn diện. Chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý có thể giúp kiểm soát tốt đường huyết, không cần dùng thuốc hoặc giảm liều thuốc đang sử dụng và biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra. Thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, cần chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo cho người mẹ tiết đủ sữa với chất lượng tốt và duy trì sức khỏe. Sản phụ không đủ sữa sau sinh cần được hướng dẫn thực hành chế độ ăn giúp có đủ dinh dưỡng trong nguồn sữa, hồi phục sức khỏe sau sinh và cách giảm cân hợp lý.
THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)