Tại cuộc tọa đàm "Phát triển thị trường cá tra nội địa" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 29-11 ở TP HCM, ông Nobuyoshi Kan, Trưởng đại diện Công ty Ocean Trading (phân phối cá tra Việt ở thị trường Nhật Bản) tại Việt Nam, cho biết người Nhật vốn thích ăn cá biển nhưng đã chấp nhận cá tra Việt Nam, một loài cá nuôi nước ngọt.
"Cá tra rất tốt, nhiều omega 3, không thua kém cá hồi, cá ngừ. Để đẩy mạnh tiêu thụ, cá tra được chế biến sâu thành nhiều món ngon tiện dụng và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Nhật. Tại Nhật Bản, cá tra còn được làm sushi như cá ngừ, cá hồi." - ông Nobuyoshi Kan cho biết.
Cá tra là loại cá da trơn thuộc phân khúc cá thịt trắng, được nuôi phổ biến ở Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, Việt Nam mới là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 52% tổng sản lượng cá tra toàn cầu.
Người tiêu dùng hào hứng thử cá tra được đầu bếp nước ngoài chế biến ngay tại hội chợ tổ chức ở TP HCM
Cá tra là một sản phẩm chủ lực của thủy sản Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt gần 1,8 tỉ USD, năm 2018 dự báo đạt 2 tỉ USD; tiêu thụ tốt ở các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,… nhưng lại chưa có vị trí xứng đáng tại thị trường nội địa.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Bến Tre) - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra 20 năm, cá tra đã có bước phát triển "thần kỳ" ở thị trường quốc tế nhưng lại chưa quan tâm đến thị trường nội địa.
"Có đến 95% cá tra dành cho xuất khẩu, chỉ 5% tiêu thụ nội địa, trong khi thị trường trong nước với dân số 100 triệu người là mơ ước của các công ty thực phẩm ngoại. Họ đã vào Việt Nam bán gà rán, thức ăn nhanh và kiếm lợi rất lớn. Nhiều thực phẩm cao cấp, đắt tiền như thịt bò Kobe cũng được người tiêu dùng đón nhận. Cá tra là loại thịt trắng được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá cao, giá bán lẻ khoảng 10 USD/kg, không hề rẻ nhưng người Việt lại quay lưng" – ông Đạo bày tỏ.
Về lý do các doanh nghiệp cá tra ngần ngại phân phối nội địa, ông Đạo cho biết tập quán người tiêu dùng Việt Nam không thích hàng đông lạnh vì cho rằng không ngon bằng hàng tươi sống. Ngoài ra, bán hàng nội địa phải ký gửi các đại lý, siêu thị lâu lấy được tiền trong khi xuất khẩu sẽ được số lượng lớn, nhận tiền "một cục".
Cũng theo ông Đạo, ở các nước như Thái Lan, Hàn Quốc do nguyên liệu ít nên cá tra chủ yếu chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, lợi nhuận cao. Việt Nam nguyên liệu cá tra dồi dào lại chủ yếu xuất thô, có đến 95% sản phẩm xuất khẩu được nước ngoài chế biến, đóng gói lại để tiêu thị. "Ai cũng nói đến việc phát triển sản phẩm giá trị gia tăng nhưng làm không hề dễ. Chính công ty chúng tôi đầu tư nhà máy chế biến cá tra hiện đại bậc nhất Việt Nam với tổng vốn 30 triệu USD, đã có khách hàng nước ngoài nhưng vẫn cảm thấy đầu tư như vậy là liều mạng" – ông Đạo thẳng thắn.
Bà Ngô Thị Thức, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay ngành cá tra Việt Nam đã phát triển thành ngành công nghiệp cá tra, đáp ứng những yêu cầu khắc khe nhất của thị trường xuất khẩu. "Do hệ thống quản lý chất lượng để phục vụ xuất khẩu khác với nội địa nên doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn khi cung cấp nội địa dù đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế" – bà Thức nhìn nhận.