Vừa qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã có văn bản gửi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 về vấn đề xuất khẩu tôm hùm bông vào thị trường Trung Quốc.
Tôm hùm bông sống được doanh nghiệp phản ánh là khó xuất khẩu sang Trung Quốc
Doanh nghiệp này cho biết đã nhận được thông tin từ nhà nhập khẩu Trung Quốc cho biết phía cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc đã áp dụng nghiêm ngặt trong việc xuất khẩu, nhập khẩu tôm hùm từ các nước, trong đó có hoạt động xuất khẩu tôm hùm bông sống của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải sản Linh Phát tạm dịch thông tin nhận được từ phía đối tác Trung Quốc như sau: Tôm hùm hoang dã là loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu một quốc gia muốn nhập khẩu tôm hùm bông nuôi, phải cung cấp các tài liệu chứng minh sau đây trước khi nộp đơn xin giấy phép nhập cảnh: Giấy chứng nhận tôm hùm được nuôi theo phương thức nhân tạo; giấy chứng nhận được quản lý đặc biệt đối với động vật thủy sản hoang dã ở Trung Quốc; giấy chứng nhận phê duyệt các loài động vật hoang dã thủy sản có nguồn gốc từ nước ngoài.
Công ty Linh Phát cho biết hiện tại tôm hùm bông sống của Việt Nam gần như không thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các lô hàng của công ty đã thu mua theo đơn đặt hàng của đối tác đều không được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc, do đó hàng hóa bị ứ đọng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ngày 1-11, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản gửi Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến về việc xuất khẩu tôm hùm bông sống sang Trung Quốc.
Văn bản nêu thời gian vừa qua, ngay sau khi nhận được phản ánh từ một số cơ sở bao gói xuất khẩu tôm hùm sống sang Trung Quốc về việc hải quan một số cửa khẩu của Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông sống của Việt Nam mà không nêu rõ lý do, Cục đã có Văn bản số 773/CCPT-ATTP ngày 11-9 gửi Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị bố trí làm việc trực tiếp với Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xác thực thông tin phản ánh nêu trên của các doanh nghiệp; đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về quy định mới (nếu có) đối với nhập khẩu tôm hùm bông sống; đề nghị thông báo tới hải quan các cửa khẩu cho phép thông quan các lô hàng tôm hùm bông sống của Việt Nam cho đến khi có thông báo chính thức
Ngày 28-9, Cục tiếp tục có văn bản gửi Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đề nghị chỉ đạo Hải quan cửa khẩu Đông Hưng tháo gỡ các vướng mắc liên quan, tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sống của Việt Nam vào Trung Quốc (bao gồm tôm hùm bông) được nhanh chóng, thuận lợi.
Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết theo thông lệ, trường hợp phía Trung Quốc ban hành quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản nhập khẩu thì sẽ gửi thông báo tới các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chưa nhận được thông báo của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc về các quy định mới này cũng như thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông sống từ Việt Nam.
Ngày 7-11, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã ban hành văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có nuôi tôm hùm; Hội nghề cá các tỉnh có nuôi tôm hùm về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm.
Cục Thủy sản cho biết trong thời gian chờ ý kiến phản hồi chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để duy trì phát triển và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi tôm hùm, đặc biệt đối với tôm hùm bông, đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nuôi tôm hùm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về quản lý giống tôm hùm. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong công tác "xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng, bè/đối tượng thủy sản nuôi chủ lực".
Cùng với đó, theo dõi sát thông tin thị trường để khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi (giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh) và thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm hùm chất lượng, an toàn, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc. Cập nhật thông tin đầy đủ vào nhật ký, lưu giữ hồ sơ chứng từ có liên quan để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu...