Xoài Việt có cơ hội lớn, nhưng còn nhiều việc phải làm

Thứ năm, 02 Tháng 5 2019 09:43 (GMT+7)
Xoài - một loại trái cây đặc sản của vùng ÐBSCL đang có nhiều cơ hội để phát triển khi liên tục “chinh phục” được các kênh tiêu thụ lớn ở trong nước và quốc tế. Thế nhưng, để tạo đột phá vẫn còn nhiều việc cần phải lưu ý…

Xoài Việt Nam đang có cơ hội lớn để chinh phục thị trường nước ngoài, nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là trong việc cấp mã số vùng trồng. Trong ảnh: Nhân công đóng gói xoài xuất khẩu tại một doanh nghiệp. 

 “Chinh phục” kênh tiêu thụ lớn

Mới đây, ngày 19-4, lô xoài 1,5 tấn của 2 Hợp tác xã xoài cát núm Trung Chánh và Quới An của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (TP Hồ Chí Minh) thu mua, đóng gói và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long, phấn khởi: “Việc xoài được xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứng tỏ trái cây Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Đây là tin vui cho nhà vườn trồng xoài của Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung”.

Trước đó một ngày, tức ngày 18-4, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã tổ chức xuất khẩu lô xoài 8 tấn đầu tiên được thu mua ở địa phương này sang thị trường Mỹ. Theo đó, lô xoài xuất khẩu sang Mỹ được thu mua của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là đơn vị xuất khẩu và đơn vị nhập khẩu là Công ty trái cây nhiệt đới Đại Tân.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: Để trái xoài Việt Nam được thị trường Mỹ chấp nhận nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đã nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009. Sau đó, từ năm 2009-2016 thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại; xây dựng bản đồ chiếu xạ vào năm 2017 và thảo luận, thống nhất điều kiện nhập khẩu vào năm 2018. “Đến hôm nay, Bộ NN&PTNT đã chính thức làm Lễ Công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ” - ông Hiếu cho biết.

Không chỉ xâm nhập được vào thị trường Mỹ, xoài Việt Nam cũng đã tiếp cận được các kênh tiêu thụ hiện đại ở trong nước, mà cụ thể đã được Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chấp nhận đưa vào thực đơn của đơn vị này để phục vụ hành khách hạng thương gia trên các đường bay từ Việt Nam đi quốc tế và đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang- địa phương nơi có sản phẩm được đưa lên các chuyến bay của Vietnam Airlines, cho biết: Việc đưa xoài cát Hòa Lộc lên các chuyến bay của Vietnam Airlines sẽ là một kênh quảng bá hiệu quả cho sản phẩm trái cây đặc sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài nước, góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ các loại sản phẩm trái cây đặc sản của Tiền Giang.

Ông Nghĩa chia sẻ thêm, việc liên kết với Vietnam Airlines đưa xoài cát Hòa Lộc lên các chuyến bay của đơn vị này cũng nhằm phát triển loại sản phẩm này thành nét văn hóa riêng của tỉnh Tiền Giang trong phục vụ khách du lịch.

 Nhưng còn nhiều việc phải làm…

Theo ông Nghĩa, địa phương hiện có khoảng 1.500ha diện tích sản xuất xoài cát Hòa Lộc với sản lượng cung cấp ra thị trường đạt khoảng 35.000 tấn mỗi năm. “Sản phẩm này của Tiền Giang cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2009”, ông Nghĩa thông tin và cho biết, đây là nguồn cung quan trọng để phục vụ nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, để hành khách được thưởng thức nguyên vẹn hương vị của những loại đặc sản này trên các chuyến bay, Vietnam Airlines buộc phải áp dụng quy trình lựa chọn, giám sát nghiêm ngặt từ công tác thu hoạch sản phẩm tại vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng đến bảo quản trái cây tại các kho, ngâm khử trùng và giữ lạnh trước khi đưa lên các chuyến bay. Tiêu chuẩn nêu trên của Vietnam Airlines có nghĩa để sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu, thì đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tức từ khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển đến lưu kho…, cần phải được đầu tư, chuẩn hóa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Đồng Tháp là tỉnh có sản lượng hàng hóa nông sản lớn với gần 30.000ha diện tích trồng cây ăn trái, sản lượng 300.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích trồng xoài đạt gần 10.000ha với sản lượng đạt khoảng 127.000 tấn/năm.Theo ông Hùng, xoài cũng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được Đồng Tháp chọn thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. “Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã số vùng trồng. Năm 2013, Đồng Tháp được Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” - ông cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: Để sản phẩm xoài nói riêng và trái cây nói chung vào được thị trường Mỹ, ngoài yêu cầu phải xử lý chiếu xạ, thì sản phẩm phải được thu hoạch từ những vùng trồng đã được cấp mã số (hiện phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT, mà cụ thể là Cục Bảo vệ thực vật thực hiện cấp mã số). Điều này có nghĩa, dù sản lượng xoài nói chung của Việt Nam là rất lớn, nhưng lượng sản phẩm được trồng trong vùng đã được cấp mã số vẫn còn hạn chế, cho nên, cần phải nỗ lực xúc tiến mạnh hơn trong khâu sản xuất để được cấp mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường này.

Thực tế, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - đơn vị vừa xuất khẩu 8 tấn xoài đầu tiên sang Mỹ, cho biết: Đơn vị này hiện đang quản lý 25 mã số vùng trồng trái cây các loại với diện tích gần 400ha, trong đó, cũng chỉ có 175ha xoài được cấp mã số. Như vậy, rõ ràng so với diện tích của riêng tỉnh Đồng Tháp là 10.000ha, thì con số này còn rất khiêm tốn.

Bài, ảnh: T.C - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản