Xuất khẩu cá tra gặp khó về đầu ra.
Giá cả đảo chiều giảm mạnh
Những ngày này, nhiều hộ nuôi cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… đứng ngồi không yên bởi giá rớt và khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Trung Sang, hộ nuôi cá ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp), thở dài: “Rất nhiều người nuôi cá tra vô cùng bất ngờ và cũng không hiểu vì đâu mà giá cá rớt thảm hại đến như vậy. Hiện nay, thương lái và nhà máy chỉ thu mua cá tra với giá từ 20.500-21.500 đồng/kg, người nuôi cầm chắc lỗ 2.000-3.000 đồng/kg”. Cùng nỗi lo trên, bà Nguyễn Thị Thu, ngụ huyện Châu Phú (An Giang), tâm sự: “Hồi đầu năm, các nhà chuyên môn dự báo tình hình xuất khẩu cá tra năm nay tiếp tục ổn định nên bản thân tôi và nhiều hộ xung quanh an tâm đầu tư nuôi cá. Không ngờ từ quý II đến nay, giá cá cứ giảm liên tục và hiện ở mức thấp nhất trong vài năm qua. Người nuôi đã và đang thua lỗ; nếu tới đây tình hình không cải thiện thì hàng loạt hộ ôm nợ là khó tránh khỏi”.
Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, mới năm 2018 vừa qua, giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân của năm 2017 là 4.000 đồng/kg; riêng thời điểm tháng 10-2018 giá cá tra lên đến 35.000-36.000 đồng/kg. Nhờ giá duy trì mức cao đã đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2018 đạt 2,26 tỉ USD, tăng 26,5%. Từ tín hiệu lạc quan đó nên năm 2019, Bộ NN&PTNT đưa ra mục tiêu phấn đấu nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt sản lượng 1,51 triệu tấn (tăng 6,6%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỉ USD (tăng 12%). Cách nay mấy tháng, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI cũng cho rằng, thời gian qua việc sản xuất và xuất khẩu cá tra của IDI tăng mạnh. Công ty đã đưa sản phẩm đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Với chiều hướng thuận lợi hiện nay, công ty lên kế hoạch xây dựng thêm nhà máy số 3 với công suất 200 tấn nguyên liệu/ngày.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), bộc bạch: “Sự thành công của cá tra trong năm 2018 đánh dấu việc vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, doanh nghiệp, người nuôi… Với sự thuận lợi này, tới đây cần phát huy hơn nữa. Chú trọng việc đầu tư vào chiều sâu, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, bám sát diễn biến thị trường; không ngừng nâng cao chất lượng cá tra nhằm đáp ứng những thị trường khó tính”.
Các doanh nghiệp và ngành chức năng đều quyết tâm và kỳ vọng vào xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng, thế nhưng giá cá gần đây bất ngờ đảo chiều giảm mạnh, đẩy người nuôi cùng doanh nghiệp vào cảnh khốn đốn.
Tìm giải pháp ứng phó
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cá tra giảm mạnh như tình hình xuất khẩu gần đây gặp khó khăn, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc bị giảm liên tục từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường Hoa Kỳ cũng giảm mạnh; song song đó, chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ gây ảnh hưởng… Trước hàng loạt khó khăn vây quanh ngành cá tra, giải pháp cấp bách được các doanh nghiệp và các hiệp hội thủy sản ở ĐBSCL đưa ra lúc này là khuyến cáo người nuôi không nên tiếp tục thả nuôi mới, nhằm tránh tình trạng thừa nguyên liệu và giá cá có thể rớt thêm. Đối với những diện tích cá lớn thì nên áp dụng biện pháp giảm cho ăn nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, bởi nếu bán ào ạt lúc này sẽ lỗ rất nặng. Mặt khác, ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu… nhanh chóng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết áp lực đầu ra cho cá tra.
Lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam lưu ý: Thị trường cá tra thế giới được chia làm nhiều khu vực khác nhau như Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á… Bên cạnh những thuận lợi thì chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn như chất lượng con giống kém, tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả sản xuất thấp… Trên thế giới, nhiều nước đang tăng sản lượng nuôi cá tra như Ấn Độ dự kiến tăng sản lượng từ 550.000 tấn năm 2017 lên 625.000 tấn năm 2019; Bangladesh có thể tăng từ 554.256 tấn năm 2017 lên 749.746 tấn năm 2019; Indonesia cũng dự báo tăng sản lượng cá tra; trong khi Trung Quốc cũng tăng cường nuôi cá tra… Việc các nước nuôi cá vừa là áp lực vừa là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào nghề cá nhằm tăng sức cạnh tranh.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp thủy sản ở An Giang nhận định, giai đoạn từ năm 2000 đến 2016 ngành cá tra trải qua những khó khăn. Một trong những nguyên nhân là cung vượt cầu, cạnh tranh nội bộ… khiến giá xuất khẩu giảm. Từ năm 2017, ngành cá tra dần lấy lại phong độ và phát triển mạnh trong năm 2018 vừa qua. Tuy nhiên, năm 2019 này cá tra lại gặp khó khăn bởi một số thị trường chính sụt giảm nhập khẩu.
Các nhà chuyên môn cho rằng, tình trạng con giống ở ĐBSCL vẫn là một khó khăn, không đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là giống chất lượng. Vì vậy, Nhà nước kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào chiều sâu từ vùng nuôi chất lượng, sản xuất giống cá tra 3 cấp… nhằm phát triển bền vững ngành cá tra. Đây là việc cần thiết nhưng diễn biến còn chậm. Giải pháp lúc này là không nuôi tự phát tràn lan; cần đẩy mạnh liên kết để siết chặt kiểm soát, quản lý… Tập trung ứng dụng những công nghệ mới nhất vào ngành hàng cá tra trên các mặt; trong đó giống là khâu then chốt của chuỗi giá trị cá tra. Theo Tổng cục Thủy sản, cùng với những giải pháp trước mắt thì các địa phương cần tái cơ cấu ngành cá tra theo hướng hỗ trợ người nuôi liên kết đầu ra với doanh nghiệp; các nhà máy cần phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ đa dạng.