Thu hút vốn FDI vào công nghiệp chế biến

Thứ hai, 18 Tháng 11 2019 08:00 (GMT+7)
Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang đứng tốp đầu thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy hải sản, thực phẩm. Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% - 10%/năm. Tuy nhiên, xuất khẩu thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Tăng trưởng đều đặn, nhưng… 
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), sản phẩm chế biến nông sản của Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…
 
Trong đó, có 50 thị trường được xác định là thị trường truyền thống với mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu luôn duy trì 2 con số. Việt Nam đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản với công suất thiết kế đảm bảo chế biến 120 triệu tấn nguyên liệu/năm, gồm trên 7.500 doanh nghiệp (DN) gắn với quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô. 
 
Lý giải vấn đề này, theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, các cơ sở, DN chế biến trong nước do bị hạn chế vốn đầu tư nên việc chuyển đổi công nghệ sản xuất chậm, chưa đáp ứng rào cản kỹ thuật, chất lượng do thị trường thế giới đặt ra. Mặt khác, dù nông sản đa dạng, phong phú, nhưng rất thiếu DN đầu tư chế biến sâu, chế biến nguyên liệu tinh.
 
Hệ quả là 90% nguồn nguyên liệu tinh phục vụ chế biến sản phẩm phải phụ thuộc nhập khẩu. Trên thực tế, những biến động giá ngoại tệ thời gian qua đã và đang tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của DN. Ngoài ra, còn những tồn tại khác như khâu công nghệ chế biến một số ngành hàng còn lạc hậu; năng lực chế biến nguyên liệu thô thành nguyên liệu tinh còn hạn chế, chất lượng chưa đạt yêu cầu; nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định, dẫn đến năng lực cạnh tranh của các DN còn thấp…
Thu hút vốn FDI vào công nghiệp chế biến ảnh 1
Chế biến thực phẩm tại doanh nghiệp Hàn Quốc ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là dư địa tiềm năng để thu hút DN nước ngoài (FDI) đầu tư và hoàn thiện chuỗi mắt xích phát triển cho ngành chế biến thực phẩm Việt Nam. Trên thực tế, DN FDI đã và đang đổ mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ tính trong 10 tháng năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9.132 triệu USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
 
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng đạt 13.872 triệu USD, chiếm 75,8% tổng vốn đăng ký. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.952 triệu USD, chiếm 55% tổng giá trị góp vốn. Hồng Công (Trung Quốc) đang dẫn đầu đầu tư lĩnh vực này tại Việt Nam, kế đến là Hàn Quốc, Malaysia… 
 
Mời gọi đầu tư cải thiện công nghiệp chế biến
Từ đầu năm nay, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nhằm nâng cao tỷ lệ chế biến sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến; từ đó, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông lâm thủy hải sản Việt Nam.
 
Cụ thể, ưu đãi chung sẽ có miễn thuế nhập khẩu máy móc, vật liệu, phương tiện vận tải chuyên dụng, vật liệu mà trong nước không sản xuất được, nguyên liệu để gia công hoặc chế biến các sản phẩm xuất khẩu… Riêng với lĩnh vực chế biến thực phẩm, ngoài những ưu đãi chung, DN sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 10% cho các khoản thu nhập DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông thủy sản và thực phẩm.
Các DN cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ.
 
Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh thành quy hoạch lại vùng nguyên liệu nông sản, kết hợp xác định lại kế hoạch sử dụng đất lâu dài cho từng dự án nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông nghiệp, thực phẩm. 
 
Tiến sĩ Frauke Schmitz Bauerdick, Trưởng đại diện Cục Xúc tiến thương mại và Đầu tư CHLB Đức tại Việt Nam, cho biết người tiêu dùng Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang rất ưa chuộng sản phẩm đến từ Việt Nam, từ thực phẩm đến quần áo, giày dép. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Đức không ngừng tăng. Cộng thêm những chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng sẽ là động lực làm gia tăng sự hiện diện của DN Đức tại Việt Nam trong thời gian tới.
 
Riêng về phía doanh nghiệp Việt, để tăng khả năng cạnh tranh, gia nhập sâu vào thị trường thế giới, cần tuân thủ tốt hơn tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải thiện giá thành cũng như chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, DN Việt phải chủ động tiếp cận hệ thống phân phối và đối tác thu mua để thảo luận và tăng cơ hội kinh doanh của mình.
 
Theo ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục Xúc tiến thương mại), nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều nhưng có độ chênh lệch lớn trong đầu tư giữa các ngành nghề. Các nhà đầu tư chỉ tập trung vào những dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản, bia, rượu, đồ uống, chế biến thủy hải sản…, mà chưa hoặc ít đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Do đó, các ngành hỗ trợ cho chế biến thực phẩm như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nguyên liệu tinh chưa được phát triển theo mô hình hiện đại, đạt tiêu chuẩn. Chúng ta vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư từ những nước có ngành công nghiệp chế biến thực phẩm mạnh như Nhật Bản, Mỹ, Australia và các nước thuộc liên minh châu Âu.
ÁI VÂN - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản