Cây mía trồng trên những vùng đất khô hạn tỉnh Ninh Thuận đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Do giá mía sụt giảm, nhiều hộ chuyển sang trồng cây sắn (mì) và một số loại cây khác. Cuối tháng 9-2019, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang đã tổ chức hội nghị khách hàng, qua đó, phân tích sâu những hạn chế và đề ra giải pháp vực dậy ngành mía đường tại Ninh Thuận.
Nhiều năm qua, cây mía được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh Ninh Thuận, vì cây mía tăng trưởng tốt trên những vùng đất khô hạn. Nhờ thu nhập từ cây mía, hàng nghìn hộ nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái, Thuận Bắc… đã vươn lên thoát nghèo trên chính những mảnh đất cằn cỗi. Tuy nhiên, để cây mía phát triển mạnh hơn, đem lại thu nhập khá và bền vững hơn cho nông dân trong bối cảnh thị trường đường trong khu vực và thế giới diễn biến khó lường, Ninh Thuận cần có những giải pháp căn cơ. Hiện tại, giá đường kính trên thị trường liên tục giảm từ 16 xuống còn khoảng 10 nghìn đồng/kg, buộc doanh nghiệp phải thương lượng với hộ trồng, điều chỉnh giá mía nguyên liệu từ 800 xuống 730 nghìn đồng/tấn.
Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn Võ Đình Vinh cho biết, nhiều năm qua, Ninh Sơn là vùng có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng mía giảm nhiều. Địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân ổn định sản xuất, nhưng với giá đường giảm sâu và liên tục trong thời gian qua, nông dân rất dễ phai nhạt với cây mía, do đó, khó tránh khỏi nguy cơ thiếu nguyên liệu mía phục vụ công nghiệp chế biến tại nơi đây. Là nông dân điển hình trồng mía giỏi tại huyện Ninh Sơn, anh Đoàn Văn Nông tâm sự: “Hiện tại, người trồng mía đang gặp nhiều khó khăn, như nắng hạn, chi phí đầu tư cao và đầu ra sản phẩm thiếu ổn định. Tuy những năm qua, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang có các chính sách ưu đãi nông dân, nhưng không nhiều, do đó, nhiều hộ khó khăn không thể trang bị được các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nhằm tạo đột phá trong tăng năng suất và chất lượng sản phẩm”.
Theo Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang Lê Văn Thắng, khi giá đường kính bị tác động bởi thị trường trong khu vực giảm sâu, muốn sản xuất nguyên liệu mía có lãi, nông dân nên chọn giải pháp đầu tư tăng năng suất, tuy nhiên trong niên vụ 2018 - 2019, năng suất mía tại các vùng trồng ở Ninh Thuận chỉ đạt 45 tấn/ha (giảm 10 tấn so với niên vụ trước). Bởi, tâm lý chung của nông dân là ngại tốn chi phí nhiều cho việc trồng mới, cho nên không muốn đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây mía tơ cho năng suất, chất lượng đường cao, vì thế, sau vài mùa thu hoạch, mức độ già hóa của cây mía ngày càng cao, khiến năng suất giảm. Cách làm đơn giản này của nông dân làm cho người trồng và doanh nghiệp đều bị thiệt hại.
Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang Văn Hữu Thận, công ty đang tích cực phối hợp chính quyền địa phương vận động nông dân liên kết trồng mía theo mô hình cánh đồng lớn để tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào đồng ruộng. Theo đó, công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng/diện tích đầu tư, áp dụng chính sách mua mía cạnh tranh, bảo hiểm chữ đường và trợ giá đầu vụ, cuối vụ, bảo đảm thu nhập cho người trồng mía. Bên cạnh đó, để ổn định giá công thu hoạch, người dân đang hình thành các nhóm công gia đình; thành lập một số nhóm công tại các vùng trọng điểm để khắc phục tình trạng khan hiếm và giá công lao động cao như hiện nay; tăng cường kiểm soát thu hoạch và vận chuyển 100% số mía của nông dân sau thu hoạch. Công ty cũng đã quy hoạch lại vùng nguyên liệu trọng điểm, chi tiết đến từng xã; xây dựng định mức đầu tư phù hợp theo từng vùng. Cụ thể, hộ trồng 1 ha mía tơ sẽ được công ty cho ứng vốn hơn 25,5 triệu đồng và hỗ trợ 3,8 triệu đồng; đối với mía gốc thì cho ứng vốn 13,9 triệu đồng và hỗ trợ 1,6 triệu đồng.
Ngoài những chính sách hỗ trợ hộ trồng mía, công ty còn hỗ trợ cày ngầm, không cắt lá khi bón phân thúc, kỹ thuật xuống giống hàng đôi, thu hoạch, vận chuyển... sẽ góp phần tăng năng suất, hạ giá thành sản xuất mía. Tuy nhiên, để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường trong bối cảnh hội nhập kinh tế nông nghiệp, cần có sự vào cuộc đồng bộ của bốn nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước và nhà khoa học). Do đó, công ty kiến nghị tỉnh hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa trong thực hiện quy hoạch thiết kế, san ủi, cải tạo đồng ruộng để ứng dụng cơ giới vào sản xuất, nhằm giảm chi phí canh tác; xây dựng hạ tầng giao thông, kênh mương dẫn nước… để bảo đảm đủ nước tưới cho các vùng trồng mía trong mùa khô hạn.