Chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (TP Cần Thơ). Ảnh: QUỐC TUẤN
Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"
"Dịch Covid-19 đã khiến 100% đơn hàng của công ty chúng tôi ký với các nhà hàng, khách sạn, du thuyền tại các quốc gia như Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản… bị hủy bỏ" - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) Võ Văn Phục mở đầu câu chuyện với nỗi lo lắng lớn. Ông cho rằng, nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra khi hủy hợp đồng là do chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19, khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp. Từ đó dẫn đến tình trạng doanh thu xuất khẩu giảm mạnh khiến công ty gặp khó trong việc xoay vòng vốn để trả các khoản vay ngân hàng. Bắt đầu từ tháng 4-2020, công ty cũng ngừng thuê nhân công công nhật (chiếm khoảng 30% lực lượng lao động tại công ty), một phần do áp lực trả lương, phần khác do đang hạn chế sản xuất vì hàng chưa bán được. "Hiện chúng tôi cũng đang cầm cự nhờ lượng hàng xuất sang siêu thị các nước vẫn tạm thời ổn định, có lúc tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng, tích trữ của người dân trong giai đoạn dịch bệnh tăng cao. Nếu doanh nghiệp nào không có phân khúc tiêu thụ này thì rất dễ dẫn đến nguy cơ thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản bởi thị trường xuất khẩu hiện giờ thật sự rất ảm đạm và cũng chưa dự báo được sẽ kéo dài đến khi nào" - ông Võ Văn Phục nhấn mạnh.
Trong khi đó, đối với Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Ðà Nẵng) thì các đơn hàng không bị hủy bỏ nhưng lại trong tình trạng hoãn vô thời hạn. Chủ tịch HÐQT Công ty Trần Văn Lĩnh cho biết: Hiện nay, nhiều đơn hàng xuất sang châu Âu bị hoãn và khách hàng cũng không quyết định được thời gian giao trở lại vì tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại các quốc gia này. Chính vì vậy, công ty buộc phải để hàng lưu kho. Khi đó, kho lạnh vừa chứa hàng tồn vừa phải chứa lượng nguyên liệu lớn dẫn đến áp lực về bảo quản hàng hóa, nhất là trong điều kiện chung như hiện nay thì việc muốn thuê kho lạnh cũng không hề dễ dàng. Cùng với việc hoãn đơn là tình trạng khách hàng lùi thời hạn thanh toán, có nơi vài tháng, có nơi cũng không đưa ra được thời hạn chắc chắn. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn đang phải vay ngân hàng với lãi suất vay cao. Mặc dù đến nay, đã có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và tại các địa phương. Mặt khác, mức giảm lãi suất hiện chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng, khiến doanh nghiệp đã khó lại chồng thêm khó.
Có thể thấy, tình trạng hoãn, hủy đơn hàng như trên xảy ra ở tất cả các doanh nghiệp thủy sản lớn nhỏ trên cả nước thời gian qua, kéo theo tình hình xuất khẩu thủy sản chung sụt giảm khá mạnh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 3-2020 chỉ đạt 549 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tính cả quý I-2020, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất (31%). Cũng theo VASEP, tính chung trong hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ các đơn hàng được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30% đến 50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn lên đến 40%, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy chiếm khoảng 30%. Khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc, tiếp đến là các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Nga...
"Chia lửa" cho doanh nghiệp
Ngoài việc bị hoãn, hủy các đơn hàng đã ký, thì trong quý II, quý III-2020, việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có đơn hàng mới, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều. Chính vì vậy, hầu hết doanh nghiệp thủy sản ở cả ba nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết: Ngoài nỗi lo lớn về tiền hàng bị chậm thanh toán trong khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao thì doanh nghiệp còn đang bị "gánh" nhiều loại chi phí: phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí báo có tiền về, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí nhắn tin, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch... tại ngân hàng. Ngoài ra còn phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh không thuận lợi, đó là: chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu công-ten-nơ tại cảng, chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19 (khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn...). Mặt khác, các chi phí đầu vào cũng tăng cao đáng kể như: nguyên vật liệu, tiền lương công nhân… Thêm vào đó, mặc dù doanh nghiệp ký kết được rất ít đơn hàng, hoạt động sản xuất gần như cầm chừng nhưng vẫn phải trả lương công nhân, một phần nhằm hỗ trợ cho họ ổn định đời sống, phần khác cũng là để giữ chân lao động, chờ tới khi tình hình sản xuất và xuất khẩu ổn định trở lại. Ðiều này cũng làm tăng áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Trước những khó khăn nêu trên, mới đây VASEP đã tổ chức các cuộc khảo sát đối với doanh nghiệp thủy sản, từ đó có những đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành có hướng hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, cho phép chậm nộp thuế 2019 đến hết năm 2020 và không tính lãi chậm nộp; hoãn thuế VAT cho các doanh nghiệp trong năm 2020 và không tính lãi nộp chậm. Ðồng thời xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện. Ðề nghị các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất. Cụ thể, xin hoãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020 với thời hạn trả chậm được phép tối thiểu 3 đến 6 tháng mà không tính lãi suất chậm trả nợ. Ðồng thời, các ngân hàng giảm các loại phí khi doanh nghiệp giao dịch và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được gói vay lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, để ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản nhanh chóng tìm lại đà tăng trưởng sau dịch bệnh, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm tính đến việc ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho các năm 2020 - 2021 trên cơ sở giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Quý I-2020, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm sâu nhất (40%), sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%. Xuất khẩu sang Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác (8,6%) nhờ giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ. Trong khi đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều. Theo thống kê, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu cá tra phi-lê đông lạnh từ Việt Nam trong tháng 3-2020 tăng 15% nhưng giá bình quân nhập khẩu lại giảm 21% (từ 2,26 USD/kg xuống 1,77 USD/kg). Tương tự, giá tôm sú đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 30%, từ 11,67 USD/kg xuống 8,19 USD/kg, dù khối lượng nhập khẩu tăng 18%.
|
TIẾN ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)