Đóng gói trái cây xuất khẩu tại Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu, huyện Chợ Lách.
Vai trò của doanh nghiệp
Nhắc đến vai trò của DN, Phó giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho rằng, có 2 vấn đề chính là vai trò của hệ thống thương lái, THT, HTX và hệ thống DN.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, DN có vai trò đầu tàu để giải bài toán đầu ra cho nông sản, là hạt nhân trong liên kết chuỗi giá trị. Thời gian qua, DN NN đã làm thay đổi tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN của một bộ phận người dân, giúp họ chủ động và sử dụng hiệu quả hơn tiềm năng đất đai, các nguồn vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, DN chế biến ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng, có giá trị và cạnh tranh, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đầu tư vào NN luôn tiềm ẩn rủi ro. Không ít DN gắn bó theo đuổi sản phẩm NN chủ lực của tỉnh qua nhiều năm nhưng vẫn khẳng định: kinh doanh ngành hàng nông sản khó lắm.
Đối với hệ thống thương lái, ông Đức cũng cho rằng, là điều tất yếu trong kết nối thị trường. Ở từng nơi, hệ thống thương lái ít hay nhiều đều có vai trò nhất định. Hệ thống này giúp người sản xuất bán được hàng hóa khi khó tiếp cận với người mua là DN, ngược lại giúp cho DN mua nguyên liệu để sản xuất khi họ chưa thể tiếp cận với nông dân.
Liên kết chuỗi bền vững
Phó giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho rằng, cần phải lưu ý các yếu tố như: với thế mạnh về vốn, công nghệ, DN sẽ tạo ra chuỗi liên kết các hàng nông sản, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Từ đó, đưa thương hiệu nông sản Việt Nam đến với thị trường quốc tế.
Trong liên kết chuỗi giá trị, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất NN với việc DN làm đầu mối đóng vai trò chính là mô hình phù hợp trong sản xuất NN hiện đại. Trong chuỗi giá trị này, DN cần có đội ngũ cán bộ kỹ thuật để kiểm soát được chất lượng sản phẩm tốt hơn và đưa ra các quy chuẩn về sản phẩm, tiêu chí chất lượng, thời gian và số lượng sản phẩm cần xuất. Bên cạnh đó, các DN cần rút ra bài học chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các thành viên trong chuỗi, nhất là giá thành sản phẩm; xây dựng quy chuẩn về sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ, các tổ chức đại diện để người dân an tâm giao sản phẩm đảm bảo chất lượng; liên kết hợp tác, tạo điều kiện để thay đổi được tư duy của người dân, đưa công nghệ cao vào sản xuất với người dân để người dân thấy được lợi ích thực tế.
Để thu hút được nhiều DN đầu tàu làm hạt nhân trong liên kết chuỗi thì vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong việc làm cầu nối hỗ trợ DN, hỗ trợ nông dân liên kết bền vững. Theo đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách, pháp luật của Nhà nước và một số nước có quan hệ giao dịch thương mại về thị trường cho các DN chế biến xuất khẩu để người nông dân được nắm. Qua đó, giúp nông dân có định hướng đầu tư phát triển chất lượng sản phẩm đi đôi với hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm.
“Cẩn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng năng suất lao động NN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực NN ở nông thôn. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, nhằm thu hút DN đầu tư nông thôn đã ban hành. Đặc biệt, NN sạch, chế biến nông sản. Rà soát, điều chỉnh các cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình phát triển của các địa phương, tạo quỹ đất sạch thu hút DN đầu tư vào chế biến”, Phó giám đốc Sở NN và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức nhấn mạnh.
Bài, ảnh: C. Trúc - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)