Xuất khẩu sang EU: Tính chuyện “đường dài”

Thứ năm, 22 Tháng 10 2020 07:44 (GMT+7)
Doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm.
Thủy sản là một trong những mặt hàng đang tận dụng hiệu quả EVFTA.
 
Hiệu quả được ghi nhận
 
Được coi là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực, qua hai tháng thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản đã tăng trưởng khả quan. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, số lượng đơn hàng đối với mặt hàng tôm đã tăng lên từ 10-15% so với cùng kỳ và hy vọng từ nay đến cuối năm, nhu cầu sẽ tăng cao so với năm trước. 
 
Đáng chú ý, hiệu quả của hiệp định này được dự kiến kéo dài khi hiện, các nhà nhập khẩu đã quan tâm đến những mặt hàng có lộ trình giảm từ thuế từ 3 đến 5 năm để khởi động, xây dựng các chiến lược về vấn đề thâm nhập thị trường trong dài hạn sau khi hết lộ trình giảm thuế. Các doanh nghiệp (DN) cũng đã quan tâm tối đa đến các vấn đề chứng nhận quốc tế để đáp ứng tiêu chuẩn của EU nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội của Hiệp định này trong thời gian sắp tới.
 
Thủy sản là một trong những mặt hàng đã tận dụng khá tốt các ưu đãi từ EVFTA. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho biết, sau hơn hai tháng thực thi, Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho DN XK, đặc biệt là nông sản khi hàng loạt các mặt hàng như gạo, cà phê, trái cây… đã liên tiếp được XK sang thị trường này ngay sau thời điểm hiệp định có hiệu lực, tận dụng tốt các ưu đãi về thuế. 
 
“Việc tận dụng tốt lợi thế thì EVFTA đã góp phần rất lớn giúp Việt Nam giữ được vị thế là một trong ít những quốc gia đảm bảo mức tăng trưởng về XK trong những tháng đầu năm 2020 dù thương mại toàn cầu đang bị xáo trộn và gián đoạn”, ông Tô Hoài Nam khẳng định. 
 
Theo Bộ Công thương, tính đến giữa tháng 10, sau hai tháng rưỡi thực thi Hiệp định EVFTA, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. So với các FTA khác như CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, FTA Việt Nam - Cuba... thì số lượng C/O trong EVFTA lớn hơn rất nhiều. Điều này cho thấy DN đã tận dụng hiệu quả EVFTA.
 
Trong đó, giày dép có trị giá xin cấp C/O đạt khoảng 391 triệu USD; hàng thủy sản đạt 183,4 triệu USD; nhựa và sản phẩm nhựa đạt 49,1 triệu USD; hàng dệt may đạt khoảng hơn 27 triệu USD. Các mặt hàng đã đề nghị cấp C/O mẫu EUR.1 với mức tỷ lệ sử dụng cao từ 50 - 80% gồm thủy sản, giày dép. Đây là các mặt hàng mà mức thuế quan ưu đãi FTA của EU dành cho Việt Nam thấp hơn so với hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và tiêu chí xuất xứ EVFTA lỏng hơn hoặc tương đương GSP.
 
Quan tâm đặc biệt đến quy tắc xuất xứ
 
Theo các chuyên gia, những kết quả thu được chỉ là bước đầu, về lâu dài, do EU là một thị trường lớn, có những đòi hỏi khắt khe nên khi DN Việt Nam muốn tham gia, tiếp cận vào thị trường này buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định mà EU đã quy định. Đây là một thách thức, song sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho DN trong sân chơi thương mại quốc tế. 
 
Bộ Công thương lưu ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan, DN Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA. Ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ là hai yếu tố diễn ra song song và không thể tách rời. Do vậy, để kịp thời hỗ trợ DN Việt Nam tận dụng cơ hội ngay từ những ngày đầu thực thi Hiệp định, ngày 15-6-2020, Bộ trưởng Công thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA làm cơ sở pháp lý hướng dẫn thực thi nội dung này tại Việt Nam. Thông tư đã có hiệu lực ngay từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
 
Đồng ý kiến, ông Trương Đình Hòe cho biết, để thực thi Hiệp định EVFTA, một trong những vấn đề quan trọng đó là chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đại thuế quan. Do đó việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần hết sức quan tâm là khác phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, khoa học để đáp ứng được các yêu cầu liên quan đến chứng nhận xuất xứ. Ngoài ra, về chất lượng, hiện khái niệm chất lượng thủy sản đang dịch chuyển về phía an toàn, có nghĩa là kiểm soát được cả một chuỗi sản xuất, chứ không phải là ở trong một nhà máy hay một phân xưởng sản xuất. Do đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi, quản lý chất lượng theo chuỗi hệ thống cung ứng là việc cần phải được quan tâm tối đa.

“Với ngành thủy sản, các DN đã làm việc này nhiều năm nay chứ không phải tới bây giờ mới bắt đầu khởi động nên không khó để nắm bắt cơ hội tại thị trường EU cũng như ở nội địa. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta lơ là trong quản lý, nâng cao chất lượng mà cần phải làm tốt hơn nữa để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Hòe lưu ý.
 
Ông Tô Hoài Nam chia sẻ thêm, EU là thị trường có quy định khắt khe bậc nhất thế giới, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, vì vậy, muốn khai thác, tận dụng hiệp định hiệu quả, không thể vội vàng mà buộc DN phải nghiên cứu kỹ thị trường, chuẩn bị cặn kẽ các nguồn lực, sản xuất các hàng hóa chất lượng. Mặt khác, dưới tác động của dịch Covid-19, EU đang có thêm những quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. 
 
Để giải bài toán quy tắc xuất xứ, trong tình hình khó khăn chung cũng như tiềm lực của DN còn hạn chế, Chính phủ, Bộ, ngành cần có những chính sách, cơ chế mang tính đột phá, tạo môi trường để khích lệ tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh sáng tạo, nhất là tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bởi thị trường EU có những tiêu chuẩn rất khắt khe đối với nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, buộc DN XK phải tuân theo. 
 
Muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, phải thay đổi quan điểm về lợi thế trước đây như nhân công rẻ mà phải dựa vào những chuẩn mới, đáp ứng được đòi hỏi của xu thế phát triển của thị trường. Đó là thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa vào khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, cộng đồng DN Việt Nam đang còn hạn chế, yếu kém trong nghiên cứu khoa học để có những sáng kiến kinh doanh, phát triển sản phẩm. “Vì vậy, để tháo gỡ rào cản này, cần tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các công trình nghiên cứu khoa học để áp dụng và sản xuất kinh doanh; đồng thời cũng phát huy được giá trị của các công trình nghiên cứu - một nguồn tài nguyên lớn”, ông Tô Hoài Nam kiến nghị.
 
HÀ ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản