Đầu tư công nghệ chế biến nông sản sấy, đẩy mạnh xuất khẩu

Thứ sáu, 13 Tháng 11 2020 07:16 (GMT+7)
Nắm bắt xu thế thị trường, nhiều doanh nghiệp ĐBSCL đã tăng cường đầu tư công nghệ chế biến vào sản xuất, tạo sự phong phú cho các mặt hàng nông sản sấy. Đồng thời, liên kết với các hợp tác xã (HTX), hộ nông dân mở rộng vùng trồng nguyên liệu có chất lượng đồng nhất và ổn định về sản lượng. Với những giải pháp tích cực, nhiều doanh nghiệp không chỉ tạo dựng được uy tín và thương hiệu, mà còn mở lối, nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL tại thị trường nội địa và quốc tế.
Công nhân Công ty TNHH Chế biến thực phẩm miền Tây, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long thực hiện công đoạn tuyển chọn các miếng khoai lang sấy đạt yêu cầu để đóng gói...
 
Nhờ có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nông dân giàu kinh nghiệm trồng khoai lang, nên huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long được xem là xứ sở canh tác khoai lang có chất lượng vượt trội so với các nơi khác. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long và huyện Bình Tân quan tâm thúc đẩy phát triển vùng trồng khoai lang tập trung, có quy mô lớn, tổng diện tích hơn 12.000ha/năm; đồng thời, định hướng cho nông dân trong huyện trồng khoai lang theo hướng VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước đưa địa phương trở thành vùng nguyên liệu, với khả năng cung ứng từ 350.000-400.000 tấn khoai lang các loại/năm, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu và chế biến. Ðây chính là bước đệm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm mạnh dạn hợp tác, gắn kết với nông dân, HTX, từng bước nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Luân, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm miền Tây (Công ty miền Tây), xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Nhận thấy nguồn khoai lang của huyện Bình Tân vừa dồi dào, lại được canh tác theo quy trình an toàn, nên Công ty miền Tây đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng hơn 3.000m2 và đầu tư dây chuyền sấy, máy chiên tự động, tạo ra các loại khoai lang sấy với nhiều hương vị, như: phô mai, rong biển, thịt nướng, hành ớt và mật ong, vừa đẹp mắt, vừa giòn xốp. Không chỉ phát triển các dòng khoai lang sấy, Công ty miền Tây còn sản xuất đủ loại nông sản sấy đặc trưng các tỉnh miền Tây, như: khoai môn, bí rợ, đậu bắp,... Ða phần các sản phẩm này đều được ứng dụng công nghệ sấy chân không, nên giúp lưu giữ được màu sắc tươi tự nhiên cùng với hương vị đặc trưng, tạo sự khác biệt cho sản phẩm so với các sản phẩm khác trên thị trường.
 
Công ty miền Tây có trên 10 sản phẩm sấy, với năng lực sản xuất trên 2 tấn nông sản sấy thành phẩm/ngày, chủ yếu cung cấp cho hơn 30 khách hàng trong nước và xuất khẩu sang Ðài Loan... Do đó, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Công ty miền Tây vẫn ổn định sản xuất, đảm bảo được sự tăng trưởng, cung cấp hàng ổn định cho các đối tác và tạo việc làm ổn đinh cho hơn 40 lao động địa phương. Không chỉ vậy, Công ty miền Tây còn liên tục đón tiếp thêm nhiều khách hàng mới tại tỉnh Long An, TP Hồ Chí Minh và Hàn Quốc đến tìm hiểu quy trình chế biến nông sản sấy và đặt vấn đề ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Ðây chính động lực, mở lối đi cho Công ty miền Tây phát triển ngày càng bền vững, tạo dựng uy tín, thương hiệu trên thị trường và từng bước đưa nông sản miền Tây vươn xa.
 
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Luân, để gầy dựng thương hiệu, tạo uy tín với khách hàng, Công ty miền Tây rất chú trọng khâu tuyển lựa nguyên liệu đầu vào, đảm bảo nguồn hàng luôn đạt chất lượng đồng nhất, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và đảm bảo về dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Vì lẽ đó, Công ty miền Tây không chỉ gầy dựng nhà xưởng sấy nông sản ngay tại vùng trồng, mà còn từng bước xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua các HTX và các chủ vựa khoai lang tại địa phương.
 
Anh Trần Văn Tiến, chủ vựa khoai Vạn Tiến, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Ða phần nông dân trồng khoai ở Bình Tân đều có kinh nghiệm và am hiểu điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, nên trồng khoai luôn đạt sản lượng cao, có chất lượng đồng đều… để cung ứng cho doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh. Nhờ có sự cam kết đồng hành của doanh nghiệp, bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định, nên nông dân trồng khoai lang nơi đây rất hợp tác, tuân thủ quy trình trồng khoai theo hướng an toàn, đảm bảo củ khoai đạt chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Sản phẩm xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp được đóng gói với mẫu mã, bao bì đẹp… để cung ứng ra thị trường.
Sản phẩm xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp được đóng gói với mẫu mã, bao bì đẹp… để cung ứng ra thị trường.
 
Thị trường trái cây sấy theo hướng hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ từ 6-7%/năm, đặc biệt, xoài và thanh long là 2 loại nông sản sấy có lợi thế để đi xa và giữ lâu. Nắm bắt lợi thế này, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Ðức (Công ty Việt Ðức), ở huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp đã đầu tư nhà máy chế biến trái cây sấy dẻo, có quy mô hơn 5.000m2, sản xuất hơn 10 tấn trái cây sấy dẻo thành phẩm/ngày. Trong đó chủ lực là mặt hàng xoài sấy dẻo để cung ứng cho thị trường châu Âu. Theo ông Võ Tiến Triển, Giám đốc Công ty Việt Ðức, ngoài ứng dụng công nghệ Maurer và máy móc tối tân của nước Ðức vào quy trình chế biến trái cây sấy dẻo, Công ty Việt Ðức còn mở rộng hợp tác với các HTX, nhà vườn trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích khoảng 500ha. Cùng đó, Công ty Việt Ðức còn xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến rau, củ, quả, khóm, chuối, mãng cầu, đu đủ, ớt và cả thủy sản, có tổng công suất sấy 20 tấn thành phẩm/ngày. Ước tính mỗi năm, nhà máy Việt Ðức sử dụng 10.000 tấn nguyên liệu, gồm: xoài, thanh long, khóm, chuối, mãng cầu,... để chế biến trái cây sấy xuất khẩu theo đơn đặt hàng của các đối tác.
 
Việc các doanh nghiệp ÐBSCL nắm bắt xu thế thị trường, mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến vào sản xuất đã tạo ra các loại nông sản sấy, với hương vị đặc trưng riêng, đã góp phần nâng cao giá trị cho nông sản, đặc sản và thu nhập của người dân địa phương. Song, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm mạnh dạn phát triển liên kết, hợp tác với HTX, nông dân, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL cần có cơ chế, chính sách, giải pháp về tăng tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các mô hình khép kín từ cung ứng vật tư, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nông sản… nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của ÐBSCL tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản