Theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), giá tôm tăng liên tục vừa qua là do cuối vụ và một phần do dịch bệnh nên sản lượng tôm ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung không còn nhiều. Giá tôm tăng là tín hiệu mừng cho người nuôi tôm, nhưng số người nuôi được hưởng lợi từ đợt tăng giá này là không nhiều vì đây đã là thời điểm cuối vụ.
Năm 2020 tuy nhiều khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm của tỉnh đều đạt tăng trưởng khá cao. Ảnh: TÍCH CHU
Thông thường, khi giá tôm tăng mạnh trở lại dịp cuối năm sẽ giúp người nuôi mạnh dạn hơn trong việc quyết định thả nuôi sớm, nhưng do đến cuối tháng 10 giá tôm vẫn còn quá thấp, người nuôi cũng không mấy mặn mà trong việc tiếp tục thả nuôi vì chưa biết giá tôm có lên hay không. Tuy nhiên, căn bản người nuôi vẫn thả (dù không hết diện tích), nhất là những mô hình nuôi ao bạt 2 - 3 giai đoạn hay những trang trại lớn. Điều này sẽ khiến cho nguồn tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt sang tận đầu năm và khả năng giá tôm sẽ còn tiếp tục tăng, nếu như thị trường tiêu thụ không có nhiều biến động bất lợi. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc giá tôm có thể giữ vững ở mức cao trong những tháng đầu năm 2021 hay không phụ thuộc rất nhiều vào cung – cầu thế giới, mà điều đáng quan tâm nhất chính là tình hình dịch Covid-19 tại các nước nhập khẩu cũng như các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới.
Cũng theo ông Phục, năm nay là năm thế mạnh của chế biến xuất khẩu tôm do các nước tập trung vào Việt Nam để mua. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp muốn đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm cao nên họ tập trung bán nhiều trong giai đoạn vừa qua, nên với giá tôm tăng hơn 2 con số so với tháng 10 như hiện tại những doanh nghiệp nào không có hàng dự trữ để cung ứng theo hợp đồng sẽ rất khó khăn. Riêng Vinacleanfood do đã dự báo được tình hình nên vẫn cân đối được nguồn hàng trong cả năm. Ông Phục chia sẻ: “Nói chung bây giờ cuối mùa mua hàng. Thị trường Mỹ, các đơn hàng cho tiêu thụ cuối năm và đầu năm mới đã dừng lại và thậm chí họ chưa có động thái mua hàng. Đối với thị trường Nhật, việc giao hàng cũng sắp kết thúc, còn châu Âu mua lai rai chứ không nhiều”.
Đối với những doanh nghiệp lớn, việc giá tôm tăng mạnh trong thời điểm hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm 2020 vì đã được họ dự báo từ trước. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp ký kết hợp đồng trước nhưng không có nguồn hàng dự trữ buộc phải đẩy giá thu mua lên cao hơn mặt bằng chung mới có thể đảm bảo số lượng và thời gian giao hàng theo hợp đồng. Còn đối với các doanh nghiệp lớn đến thời điểm này, hầu hết đều đã hoàn tất hợp đồng giao hàng trong năm và các hợp đồng mới sẽ được họ ký kết dựa trên giá tôm từ đầu quý IV đến nay, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Dù giá tôm hiện tại đang cao nhưng người nuôi tôm vẫn khá dè dặt, chỉ thả nuôi mang tính thăm dò. Ảnh: TÍCH CHU
Cũng có một nguyên nhân gây thiếu hụt nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến đó là tình trạng “được mùa” xuất khẩu. Đây được xem là một bất ngờ thú vị, bởi khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, một số đơn hàng xuất khẩu tôm bị đình lại, khiến nhiều người lo lắng cho viễn cảnh của ngành tôm trong năm 2020. Nhưng bằng sự linh hoạt, nhạy bén, các doanh nghiệp trong nước đã tìm được kênh tiêu thụ thay thế để sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn. Kết quả thống kê từ VASEP cho thấy, phần lớn doanh nghiệp tôm đều có kết quả sản xuất, kinh doanh rất khả quan trong 11 tháng đầu năm 2020, khi số lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp đều tăng, một số tăng trên 2 con số. Việc xuất khẩu tôm “được mùa” cũng khiến cho nguồn tôm dự trữ của các doanh nghiệp giảm mạnh, không thể bù đắp kịp do mùa vụ tôm cũng sắp kết thúc. Sự cộng hưởng giữa tôm dự trữ thấp với nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu lại cao chính là hệ quả làm nên giá tôm tăng mạnh.
Riêng tình hình xuất khẩu cũng như giá tôm đầu năm 2021, theo ông Phục là rất khó có thể đưa ra dự báo trước được, vì hiện tại một số thị trường tiếp tục đóng cửa nhà hàng để phòng, chống dịch Covid-19, nên kênh tiêu thụ này chắc chắn sẽ tiếp tục sụt giảm. Ông Phục cho biết thêm: “Hơn nữa, hiện các nước phương Tây đang vào mùa đông, người dân ít đi ra ngoài ăn uống hơn những thời điểm khác nên từ giờ đến tết tình hình tiêu thụ vẫn bình bình mà nguyên nhân chính như tôi đã nói là do các nước bước vào mùa đông và chưa có nhiều người được tiêm vaccine”.
Tuy nhiên, theo ông Phục vẫn có điểm sáng là khi vaccine phòng dịch Covid-19 được cấp phép sử dụng thì những nước có điều kiện kinh tế tốt sẽ là những nước có vaccine đầu tiên để tiêm cho người dân. Khi đó, họ sẽ không còn lo sợ dịch Covid-19, người dân sẽ đổ xô về các nơi vui chơi, ăn uống nhiều hơn sau thời gian dài tránh dịch. Nhưng tình hình tiêu thụ tôm không vì thế mà tăng mạnh ngay lập tức, mà sẽ tăng từ từ cho đến cuối quý I-2021 tiêu thụ tôm tại kênh nhà hàng, khách sạn sẽ bùng nổ trở lại vì người dân không còn lo ngại chuyện dịch bệnh.
TÍCH CHU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)