Khởi động và kỳ vọng

Thứ sáu, 29 Tháng 1 2021 10:21 (GMT+7)
Con tôm và hạt gạo đã mở màn cho năm xuất khẩu 2021 bằng lô hàng 160 tấn tôm sang Mỹ, EU, Nhật Bản và 1.600 tấn gạo thơm sang Singapore và Malaysia. Riêng thị trường trong nước, giá tôm ngay từ đầu năm đã tăng mạnh trở lại và giá lúa vụ Đông – Xuân tiếp tục giữ vững ở mức cao. Một sự khởi đầu thuận lợi mang đến sự kỳ vọng lớn hơn về sự thành công của 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong năm Tân Sửu này.
Ảnh: TÍCH CHU
 
160 tấn tôm, 1.600 tấn gạo thơm chưa phải là những con số lớn lao so với năng lực sản xuất và xuất khẩu, nhưng nó cho thấy, các doanh nghiệp đã tìm được cơ hội trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn đình trệ vì dịch Covid-19. Nếu nói cơ hội đó đến từ yếu tố khách quan hình thành từ hệ quả cung cầu cục bộ, ngắn hạn như thiên tai, dịch Covid-19… thì yếu tố chủ quan chính là việc linh hoạt trong điều chỉnh lịch thời vụ cho con tôm và cây lúa, là kiên trì, nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp và đặc biệt là tầm nhìn và sách lược chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
 
Không chỉ có sự khởi đầu suôn sẻ về giá cả hay hợp đồng xuất khẩu, tình hình thời tiết đầu năm cũng khá thuận lợi cho sự phát triển của cây lúa. Những ruộng lúa trên nền đất nuôi tôm hay vùng chuyên canh lúa đã và đang cho thu hoạch đều đạt năng suất khá cao. Riêng vụ lúa Đông – Xuân chính vụ đến giờ này nguồn nước ngọt vẫn dồi dào nhờ hạn không gay gắt và mặn thì đến muộn hơn so với năm 2020. Do đó, nếu công tác phòng chống hạn, mặn được thực hiện tốt, đây tiếp tục sẽ là một vụ lúa thành công cả về mặt năng suất lẫn giá bán.
Con tôm và hạt gạo đã mở màn thuận lợi cho năm xuất khẩu 2021 hứa hẹn sẽ mang đến sự thành công cho cả năm. Ảnh: TÍCH CHU
 
Trái ngược với cây lúa, do mặn lên chậm và thời tiết lạnh về đêm và sáng sớm nên dù giá tôm hiện tại đang rất cao và được dự báo sẽ được giữ vững đến hết quý I-2021 nhưng người nuôi tôm tại hầu hết các vùng nuôi trong tỉnh đều cho biết phải sau Tết Nguyên đán khi thời tiết ấm lên và độ mặn đạt chuẩn cho phép thì việc thả giống mới được tiến hành. Nếu tất cả diễn ra đúng như dự kiến thì tiến độ thả nuôi tôm nước lợ năm nay vẫn sớm hơn so với năm 2020. Cùng với kinh nghiệm và sự thận trọng của người nuôi trong việc ứng phó với thời tiết, thị trường, thì xu hướng chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao đang ngày một tăng lên cũng sẽ là một yếu tố tích cực giúp cho khả năng thành công ở vụ tôm năm nay thêm cao hơn.
 
Tuy có những thuận lợi nhất định ngay từ đầu năm, nhưng vẫn cần có sự chủ động để phòng tránh những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra đối với con tôm và cây lúa. Theo Tổng cục Thủy lợi, từ nay đến ngày 24-1-2021, hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông MeKong sẽ giảm xả nước xuống hạ lưu còn khoảng 1.000m3/s (tức giảm khoảng 50%), nên xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2-2021, trong đó, cao điểm ranh mặn 4%o vào sâu ở các cửa sông Cửu Long từ 50 - 70km sẽ xuất hiện từ ngày 8 đến 16-2-2021, tức ngay trong thời điểm Tết Tân Sửu. Còn đối với con tôm, do dư âm trúng mùa, giá tôm lại đang cao nên rất dễ xảy ra khả năng thả nuôi đồng loạt sau Tết Nguyên đán dẫn đến khó kiểm soát về chất lượng con giống, môi trường và dịch bệnh.
 
Một vấn đề nữa mà đến nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm vẫn chưa dám đưa ra dự báo chắc chắn, đó là thị trường chưa có thông tin chính thức về tình hình nuôi của các nước cũng như diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp và khó lường. Theo các doanh nghiệp, giá tôm từ đầu tháng 1 đến nay tăng mạnh một phần do tồn kho thế giới cũng như trong nước giảm mạnh và một phần do vụ tôm năm 2020 ở ĐBSCL đã kết thúc, lượng tôm còn lại không nhiều. Do đó, theo các doanh nghiệp trong ngắn hạn, giá tôm vẫn tiếp tục duy trì ở mức có lợi cho người nuôi, nhưng về lâu dài rất khó có thể dự đoán chính xác được. Hơn nữa, giá thuê container rỗng và giá cước vận tải đường biển bằng container hiện đang tăng đột biến sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nếu so với con cá tra thì ngành tôm năm nay chắc “nhẹ thở” hơn, tình hình thị trường sẽ rộng mở hơn do các đối thủ đang gặp khó khăn bởi Covid-19. Cái quan tâm là nhu cầu lao động để đáp ứng tăng trưởng sản lượng tôm xuất khẩu. Các doanh nghiệp tôm đang lo ứng dụng và trang bị các máy móc, thiết bị hỗ trợ tăng năng suất lao động để khắc phục điểm bất lợi này. Tuy có thuận lợi nhất định, nhưng theo ông Lực, ngành tôm vẫn có không ít tồn đọng cần sớm khắc phục như: công tác đánh mã số vùng nuôi, ao nuôi; cần nhiều trang trại nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế (ASC, BAP) nhằm tăng sự minh bạch, thuyết phục khách hàng, thuận lợi tăng quy mô tiêu thụ, nhằm đủ điều kiện để tôm Việt lên kệ các hệ thống tiêu thụ cao cấp có giá tiêu thụ tốt hơn. Qua đó nhà chế biến có khả năng chia sẻ với người nuôi thông qua giá mua tôm, cùng nhau nâng tầm tôm Việt. Ông Lực nhận định: “Năm 2021 tuy còn nhiều ẩn số, biến số nhưng ngành thủy sản chế biến đông lạnh xuất khẩu Việt Nam, chủ yếu là tôm và cá tra vẫn còn nhiều dư địa, thời cơ vượt lên, nhất là tôm. Tựu trung, sự lạc quan vẫn là ưu thế và đó là niềm tin, là năng lượng để các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu bước vào năm mới lạc quan, cởi mở hơn”.
 
TÍCH CHU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản