Tôm sú Cà Mau chính thức được công nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Nhật Hồ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng, cần chú trọng công tác quản lý sao cho hiệu quả và phù hợp. Liên kết, phát triển mạnh tại thị trường trong nước và quốc tế; kết nối với người tiêu dùng dễ dàng hơn, sản phẩm có chất lượng cao mang chỉ dẫn địa lý, đáp ứng được kỳ vọng của nhà sản xuất, của tỉnh.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cho tôm sú Cà Mau, cần có giải pháp ứng dụng khoa học- công nghệ để phát triển mọi sản phẩm của con tôm sú tốt hơn. Cần có quy trình, tổ chức quản lý hiệu quả chuyên nghiệp.
Ba doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu tại tỉnh Cà Mau cũng được trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Tôm sú Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ
Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm sú Cà Mau cho ba doanh nghiệp Công ty Cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (phường 8, thành phố Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú (ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển) và Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thuỷ sản Cà Mau (phường 8, Thành phố Cà Mau).
Cà Mau có diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước với khoảng 280.000 ha.Trong đó, diện tích nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn khoảng 80.000 ha. Đây được xem là mô hình nuôi tôm sú cho chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn có khoảng 50.000 ha mô hình lúa – tôm, cũng giúp tạo ra sản phẩm tôm sú có chất lượng cao.
Tôm sú Cà Mau đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, GlobalGAP,... Với lợi thế về diện tích nuôi tôm đứng đầu cả nước, thời gian qua, sản lượng và giá xuất khẩu tôm của Cà Mau luôn đứng đầu cả nước. Không chỉ có tiếng ở thị trường trong nước, sản phẩm tôm sú Cà Mau đã được xuất khẩu qua 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.